Thứ 4, 27/11/2024, 15:32[GMT+7]

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm nhiều nhất trong 5 năm

Thứ 7, 28/03/2020 | 21:03:33
956 lượt xem
Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, so sánh tốc độ tăng/giảm CPI tháng 3 so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,57%; tăng 0,21%; giảm 0,27%; giảm 0,21%; giảm 0,72%.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, tăng lần lượt 4,87% và 5,56%.

So sánh tốc độ tăng CPI tháng 3 so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,69%; 4,65%; 2,66%; 2,7%; 4,87%. Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,25%; 4,96%; 2,82%; 2,63%; 5,56%.

Tỉ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Trong tháng 3, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,87%, chủ yếu do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/2/2020 và 15/3/2020 làm giá xăng, dầu giảm 9,83% (tác động làm CPI chung giảm 0,43%) và giá dịch vụ giao thông công cộng giảm.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,4% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội của người dân giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%, trong đó: lương thực tăng 1,09%; thực phẩm giảm 0,89%; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,01%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,25% (giá gas giảm 5,91% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm làm CPI chung giảm 0,07% và giá dầu hỏa giảm 12,08%); may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,15%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do giá dịch vụ giúp việc gia đình tăng 0,64% và nhu cầu sử dụng các loại vật phẩm tiêu dùng gia đình trong mùa dịch Covid-19 tăng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm giáo dục tăng 0,04%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%.

CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng cục Thống kê phân tích: CPI quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu như: Nhu cầu về nhiều loại mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: lương thực, thực phẩm, rau quả; giá điện nước sinh hoạt…

Ở chiều ngược lại có có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong quý I như: Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm; ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sau Tết giảm làm giá của nhóm du lịch. Hơn nữa, các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và ổn định thị trường.

Theo baochinhphu.vn