Chủ nhật, 30/06/2024, 19:52[GMT+7]

Làm giàu từ làn

Thứ 2, 23/07/2012 | 15:20:35
1,919 lượt xem
Trong phong trào tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp, ở huyện Quỳnh Phụ đã xuất hiện hàng trăm điển hình làm kinh tế giỏi. Mặc dù chưa đủ giàu để là tỷ phú, nhưng khởi nghiệp từ con số không ngay trên chính mảnh đất quê hương, bằng những nỗ lực của mình, cộng thêm sự tiếp sức từ nguồn vốn vay của tổ chức Đoàn, nhiều bạn trẻ đã chứng tỏ sự trưởng thành của mình trên con đường làm giàu. Trong đó phải kể đến anh Lương Văn Đẳng, xã An Cầu - người đưa nghề mới về làng quê.

Cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Lương Văn Đẳng, xã An Cầu (Quỳnh Phụ)

Với hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, việc đầu tư phát triển kinh tế là điều anh Đẳng luôn suy tư, trăn trở sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Anh quyết tâm không đi làm ăn xa theo “trào lưu” chung của hầu hết thanh niên địa phương. Nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh tại quê hương có thể làm giàu như: quỹ đất còn nhiều, nhưng khai thác chưa hiệu quả, nguồn lao động dồi dào... Để biến ước mơ làm giàu thành hiện thực, anh đã đi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Cuối cùng anh quyết định mở xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan để tạo việc làm trong lúc nông nhàn cho bà con nông dân trong và ngoài xã vào năm 2000. Tài sản duy nhất anh có lúc này là ước mơ của tuổi trẻ, là khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Anh tâm sự: Trước đây, sản phẩm từ mây tre của người dân trong làng chủ yếu là những thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... các đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày một cao nên những sản phẩm mỹ nghệ từ mây tre đan như: các đồ vật trang trí, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh... cũng theo đó đã ra đời. Nhưng để tạo ra những sản phẩm đẹp, mới lạ thì phải có tay nghề cao. Với sự giúp đỡ của gia đình, anh dành tất cả thời gian vào học nghề mây tre đan từ những nghệ nhân ở các vùng lân cận. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã sáng tạo được những mẫu mới để chào bán ra thị trường. Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu thị trường đang cần, anh tập trung làm những sản phẩm đơn giản, dễ tiêu thụ như: túi, hộp đựng giỏ quà. Bạn hàng biết đến anh ngày một nhiều, từ chỗ phải tìm đầu ra cho sản phẩm, những năm gần đây anh đã nhận hàng về làm từ một công ty lớn ở Hưng Yên. Từ 10 triệu đồng thuở lập nghiệp, sau 10 năm anh đã có trong tay hàng trăm triệu đồng.

Khi được hỏi về bí quyết thành công, anh chia sẻ: Đó là lấy chữ tín làm đầu, bảo đảm thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm, có như vậy mới duy trì được các mối hàng, tạo được nhiều mối làm ăn mới. Nhờ đó mà chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở mây tre đan của anh đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các công ty lớn ở Thành phố Thái Bình và các tỉnh lân cận. Hiện, cơ sở mây tre đan Lương Văn Đẳng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho trên 300 lao động vệ tinh trong và ngoài xã. Đặc biệt, những lúc nông nhàn, số lao động lên đến 500 - 600 người. Lợi nhuận năm 2011 đạt trên 200 triệu đồng.

Với bản tính cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận mạo hiểm, Lương Văn Đẳng đã thành công trong việc tạo lập một chỗ đứng vững vàng trên mảnh đất quê hương, góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Bài, ảnh: Đức Dũng

  • Từ khóa