Thứ 2, 23/12/2024, 14:18[GMT+7]

Nỗ lực để Quỳnh phụ không chỉ là quê lúa

Thứ 2, 23/08/2010 | 10:48:31
2,742 lượt xem
Cùng với việc tập trung xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, thời gian qua huyện Quỳnh Phụ đã thực thi nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy CN- TTCN phát triển toàn diện. Đây được coi là nhiệm vụ kinh tế trọng tâm nhằm tạo bước đột phá về tăng trưởng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Nhiều làng xã của huyện Quỳnh Phụ đã có thêm nghề phụ để tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Thành Tâm

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương của tỉnh về phát triển CN- TTCN, nhất là Nghị quyết số 01 về phát triển nghề và làng nghề, BCH Đảng bộ huyện Quỳnh Phụ đã ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn. Chỉ đạo UBND huyện xây dựng đề án quy hoạch phát triển CN- TTCN làm căn cứ để các ngành, các xã triển khai. 

Xây dựng và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào địa bàn huyện. Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh triển khai quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư. Tăng cường năng lực đào tạo cho các trường dạy nghề trên địa bàn huyện để cung ứng lao động tại chỗ khi doanh nghiệp có nhu cầu...

Với hàng loạt các giải pháp kịp thời, sát đúng nói trên, Quỳnh Phụ luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng CN- TTCN thuộc tốp dẫn đầu tỉnh. Từ một huyện cơ bản “trắng” về công nghiệp tập trung, đến nay huyện đã có 1 KCN tập trung tại Cầu Nghìn (thị trấn An Bài) với diện tích rộng hơn 200 ha, cụm công nghiệp Quỳnh Côi rộng 34 ha. Ngoài ra, còn có một số cụm, điểm công nghiệp khác đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như Quỳnh Hồng, Đồng Tiến... Hiện tại, Quỳnh Phụ đã thu hút 75 dự án đầu tư vào huyện, tăng 55 dự án so với năm 2005, tổng số vốn đăng ký đạt 1.057 tỷ đồng.

Đến thời điểm này đã có 56 dự án triển khai thực hiện, nhiều dự án chính thức đi vào sản xuất, bước đầu tạo việc làm cho trên 8.000 lao động. Trong đó một số dự án có quy mô khá lớn, điển hình là Nhà máy thép đặc biệt Shengly có số vốn đầu tư lên tới 530 tỷ đồng, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 400.000 tấn phôi thép và thép thành phẩm. Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án khác như Xí nghiệp gạch tuy- nel Cầu Nghìn, Xí nghiệp may Hoàng Anh, Nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu, Nhà máy chiết nạp gas, Công ty giầy da Sao Vàng, Công ty chế biến gỗ xuất khẩu Việt- Nhật...

Đối với lĩnh vực nghề và làng nghề, huyện chủ trương tập trung phát triển theo hai hướng chính: Khôi phục nghề truyền thống và du nhập nghề mới. Đến nay nhiều ngành nghề thủ công truyền thống có nguy cơ mai một đã được các địa phương khôi phục, từng bước mở rộng sản xuất. Một số nghề không chỉ trụ vững mà còn phát triển ổn định, điển hình như các nghề thêu ren, đan mây tre, xe đay, chế biến cói, cơ khí... Bên cạnh đó, Quỳnh Phụ đã du nhập hơn 20 nghề mới như: Đính hạt cườm, gia công lưỡi câu, làm lông mi giả, gia công hàng mã, thêu áo Kimônô, đan lưới nilon, chạm khắc gỗ mỹ nghệ, thêu tranh nghệ thuật, bóc tách hạt điều...

Từ chỗ còn nhiều xã “trắng nghề”, nay 100% số xã, thị trấn trong huyện đều đã có nghề. Trước năm 2000 toàn huyện chưa có xã nào được công nhận làng nghề, thì hiện tại Quỳnh Phụ có tới 31 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, tăng 11 làng nghề so với năm 2005. Một số nghề hiện đang phát triển khá ổn định; tiêu biểu là nghề chế biến nông- lâm sản, dệt chiếu cói. Đây là nghề truyền thống của các xã An Dục, An Tràng, An Hiệp, An Vũ, An Lễ; nay tiếp tục mở rộng sang một số xã khác như An Đồng, An Khê, Quỳnh Nguyên, Quỳnh Mỹ...; mỗi năm sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 3 triệu lá chiếu các loại.

Nghề đan mây tre từ 7 xã nay lan rộng ra tới 21 xã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 700.000 sản phẩm các loại. Nhóm nghề chế biến LT- TP phát triển ở hầu khắp các xã trong huyện, mỗi năm chế biến khoảng 200.000 tấn lương thực các loại; doanh thu khoảng 150- 170 tỷ đồng/năm. Nhóm nghề sản xuất VLXD phát triển chủ yếu tại các xã ven sông Hoá và sông Luộc như An Bài, An Đồng, An Khê, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Thọ... mỗi năm khai thác hàng triệu m3 cát, cho ra lò hàng trăm tấn vôi củ, hàng chục triệu viên gạch... Nhóm nghề cơ khí được khôi phục tại 38/ 38 xã, thị trấn với các sản phẩm chủ lực là cửa hoa, cửa xếp, cổng dậu, nông cụ, khung xe đạp, đồ gia dụng...

Riêng khung xe đạp, mỗi năm các làng nghề tại Quỳnh Phụ cung cấp cho thị trường khoảng 150.000 sản phẩm. Một nhóm ngành khác cũng đang phát triển rất sôi động đó là nghề chế biến gỗ. Sản phẩm từ nghề này khá đa dạng  tỷ lệ cơ khí hoá rất cao, mang lại doanh thu khoảng 110 tỷ đồng mỗi năm. Ngành nghề phát triển là tiền đề cho việc hình thành các doanh nghiệp trong làng nghề. Hiện tại, Quỳnh Phụ có gần 50 doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất đang hoạt động hiệu quả, điển hình là Doanh nghiệp Bắc Á (xã Quỳnh Giao), Công ty Việt Thắng (thị trấn Quỳnh Côi), cơ sở đồ gỗ Long Đĩnh, Đức Long (An Đồng)...

Sự phát triển đa dạng của CN- TTCN ở Quỳnh Phụ đang góp phần tạo việc làm cho trên 40.000 lao động, tăng gần 2 lần so với năm 2005. Giá trị sản xuất CN- TTCN lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng/ năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất CN- TTCN của Quỳnh Phụ đạt 816 tỷ đồng, tăng 244% so với cùng kỳ và gần bằng cả năm 2009. Tốc độ tăng trưởng CN- TTCN chung giai đoạn 2005- 2010 ước đạt 56,6%, nếu ngoại trừ khu công nghiệp thì các lĩnh vực còn lại cũng đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 22,5%/ năm.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa