Thứ 2, 23/12/2024, 19:56[GMT+7]

Nguyên Xá: Điểm sáng phát triển công nghiệp nông thôn

Thứ 2, 12/04/2021 | 08:30:28
4,387 lượt xem
Giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại - đó là kết quả từ chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn mà cấp ủy, chính quyền xã Nguyên Xá (Vũ Thư) tập trung chỉ đạo và triển khai thời gian qua.

Các doanh nghiệp, hộ sản xuất công nghiệp nông thôn ở xã Nguyên Xá mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm 2020 Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp (cụm công nghiệp Nguyên Xá) vẫn đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2019. 

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc Công ty cho biết: Được sự tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất của chính quyền huyện Vũ Thư và xã Nguyên Xá, tôi đã đầu tư mở rộng nhà xưởng và xây dựng showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm với tổng diện tích gần 4.000m2. Song song với duy trì sản xuất các mặt hàng như bàn, ghế, giường, tủ, đồ thờ, Công ty còn phát triển sang sản xuất đồ gỗ nội thất công trình, tranh gỗ. Chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định... tin tưởng sử dụng nên bảo đảm việc làm ổn định cho 25 lao động. 

Ông Đặng Quang Mạc, công nhân phụ trách bộ phận tự động hóa của Công ty cho biết: Doanh nghiệp đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nên môi trường làm việc của công nhân được cải thiện rất nhiều, năng suất lao động tăng và thu nhập cũng nâng lên, bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng.

Đưa chúng tôi đi thăm cụm công nghiệp Nguyên Xá, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá phấn khởi cho biết: Không riêng doanh nghiệp Khởi Tiếp, hiện nay cụm công nghiệp có 10 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 920 lao động. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp đã trở thành mô hình, động lực để người dân địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương.

Xã Nguyên Xá có thế mạnh là nghề mộc và mây tre đan. Vì vậy, bên cạnh tích cực thu hút các doanh nghiệp từ bên ngoài đầu tư vào địa phương, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng thúc đẩy phát triển nghề truyền thống. Với hàng loạt cơ chế: Quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề tạo quỹ đất cho người dân mở rộng quy mô sản xuất; phối hợp với các cấp, ngành chức năng dạy nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, nhất là về tín chấp, thế chấp vay vốn để đầu tư; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, xã Nguyên Xá đã tạo ra môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có một vài hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, đến nay toàn xã có 695 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ cho 2.536 lao động, chiếm 57,7% tổng số lao động của địa phương. Ngành công nghiệp mỗi năm mang về cho Nguyên Xá hơn 200 tỷ đồng, chiếm 66,3% tổng giá trị sản xuất của xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 55 triệu đồng/năm, thuộc tốp cao nhất các xã trong huyện Vũ Thư.

Ông Phạm Văn Lưỡng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá chia sẻ: Từ năm 2013 khi xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, chúng tôi đã xác định phải tập trung phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Với định hướng đúng, giải pháp triển khai hiệu quả, đến nay tỷ lệ lao động có việc làm của xã đạt 95,4%, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp gần 2 lần so với thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,59%. Kết quả đó cũng góp phần quan trọng giúp Nguyên Xá sớm hoàn thành 11/11 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tiếp tục phấn đấu đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tới.

Hà Thanh