Thứ 2, 23/12/2024, 15:31[GMT+7]

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh

Thứ 2, 01/11/2021 | 08:48:34
2,274 lượt xem
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định khoa học và công nghệ (KH và CN) là 1 trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng KH và CN để nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình sản xuất cà chua trong nhà lưới theo quy trình VietGAP của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân.

Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) thành lập từ năm 2004, chuyên sản xuất các loại máy phục vụ nông nghiệp như máy tưới, máy băm bèo, máy băm thức ăn chăn nuôi, máy tẽ ngô, máy tuốt lạc... Các sản phẩm của Doanh nghiệp hiện đã có mặt trên thị trường toàn quốc và được xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia. Trước đây, phần lớn công đoạn sản xuất của Doanh nghiệp đều thủ công, năng suất không cao. Nhận thấy việc đầu tư máy móc tự động là cần thiết để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, Doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng nhà máy lên hơn 5.000m2, đồng thời đầu tư nhiều thiết bị hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng như rô bốt hàn, rô bốt phun sơn, các loại máy công nghệ cao (khoan, tiện, phay) và máy cắt sử dụng công nghệ laser và điều khiển thông qua máy tính... Nhờ ứng dụng KH và CN nên năng suất tăng gấp 5 lần so với trước. Mỗi năm Doanh nghiệp sản xuất hơn 70.000 sản phẩm các loại, tạo việc ổn định cho 50 lao động địa phương.

Không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp mà các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng KH và CN trong sản xuất, kinh doanh. Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân là một ví dụ. Đây là một trong những doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng trong sản xuất nông nghiệp. Với diện tích 5.000m2, mô hình sản xuất cà chua trong nhà lưới theo quy trình VietGAP đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lại Đức Lưu, Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân cho biết: Chúng tôi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân kiểm soát theo từng giai đoạn phát triển của cây và mối quan hệ giữa các công đoạn, nâng cao chất lượng quả, mẫu mã đẹp. Bên cạnh đó, chúng tôi có thể kiểm soát được hoàn toàn ảnh hưởng của môi trường, giúp quả không bị côn trùng tấn công, cho năng suất cao hơn 30%. Với mô hình này, Công ty đã tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng ở cả thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi, việc ứng dụng KH và CN trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Như Lĩnh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận, việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất cũng gặp những trở ngại do trình độ của công nhân còn hạn chế nên chưa khai thác hết tính năng của các loại máy móc hiện đại. Còn bà Mai Thị Tươi, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân cho rằng: Để xây dựng được mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn kinh phí đầu tư khá lớn, quá trình canh tác đòi hỏi phải tìm tòi, học hỏi, đầu tư thời gian và công sức. Muốn nhân rộng và tạo hiệu quả cao hơn cho các mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng rất cần những chính sách hỗ trợ về kinh phí, để người dân hiểu rõ lợi ích khi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng KH và CN trong sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng doanh thu. Tuy nhiên, để đẩy mạnh ứng dụng KH và CN, đặc biệt là công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, các cấp chính quyền, các sở, ngành, địa phương cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ những “nút thắt” về vốn, đất đai, thủ tục hành chính... Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KH và CN. Tích cực triển khai các đề tài, dự án KH và CN để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Ứng dụng KH và CN trong sản xuất kinh doanh là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm kinh tế tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao nâng cao lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19, nếu doanh nghiệp không thay đổi, nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ sẽ khó tồn tại, phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự chủ động đồng thời phải có những bước đi táo bạo, mạnh mẽ để tận dụng những lợi thế KH và CN đem lại, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong lĩnh vực KH và CN, cần có sự đổi mới trong tư duy của các cấp, các ngành cũng như của doanh nghiệp về vai trò của KH và CN, về cách mạng công nghiệp 4.0, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới sáng tạo. Tiếp tục nâng cao trình độ KH và CN thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động. Cùng với đó, tỉnh cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua xây dựng và triển khai đề án phát triển KH và CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra phù hợp với thực tiễn, có khả năng thực hiện và đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Thực hiện chủ trương của tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các hội thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác động, giải pháp để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh. Liên hiệp hội đã ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức chuyển giao khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp. Thường xuyên theo dõi và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình, giới thiệu các doanh nghiệp tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc. Tích cực tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, Liên hiệp Hội tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp. Theo dõi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan hỗ trợ phong trào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong toàn tỉnh.

Ông Trần Đăng Sứ, Giám đốc Công ty Cổ phần May Hà Thành

Trước năm 2018, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực may mặc của Công ty mang tính thủ công, chủ yếu dựa vào sức của công nhân. Tuy nhiên, trước thực tế các doanh nghiệp ngày càng có sự cạnh tranh cao về chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng KH và CN vào sản xuất, kinh doanh là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp để không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giảm bớt sức lao động. Từ năm 2018 đến nay, Công ty Cổ phần May Hà Thành đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để mua một số dây chuyền tự động. Việc ứng dụng KH và CN kịp thời đã giúp sản phẩm của doanh nghiệp đẹp hơn, thay thế được nhiều nhân công, doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 1,5 - 2 lần; đơn hàng được ký dài hạn, việc làm người lao động luôn ổn định.

Thu Trang - Nguyễn Cường