Thứ 2, 23/12/2024, 14:22[GMT+7]

Độc Lập đưa nghề về làng

Thứ 2, 30/08/2010 | 07:40:24
2,060 lượt xem
Những cánh đồng lúa ở Độc Lập (Hưng Hà) xanh mướt một màu đang chuẩn bị bước vào thời “con gái”, cũng là lúc bà con nông dân tương đối thảnh thơi việc đồng áng. Song, với tính cần cù lao động họ không chịu ngồi yên, tiếp tục bắt tay vào dệt, may khăn mà nơi đây đã du nhập về mấy năm nay để giải quyết lao động dư thừa và nâng cao thu nhập. Từ một xã gần như trắng nghề, đến nay Độc Lập đã có hai làng nghề được tỉnh công nhận, góp phần đưa giá trị sản xuất CN – TTCN, xây dựng 5 năm

Anh Phạm Văn Chuyền, thôn Phú Vinh là một trong những người đầu tiên đưa nghề về làng. Ảnh: Nguyên Bình

Độc Lập có 384,86 ha đất cấy lúa, trong đó có tới 130 ha chua trũng, chưa tính trước đó xã đã chuyển đổi 50 ha lúa hầu như chỉ cấy được một vụ sang nuôi thuỷ sản. Mặc dù đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác, nhưng đây không phải là lời giải cho sự bứt phá kinh tế của địa phương.

Xác định được điều này, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã nhận thức rõ, muốn làm giàu cần phải đẩy mạnh phát triển CN – TTCN. Song, trên thực tế Độc Lập lại là xã gần như trắng nghề. Các nghề hiện có phát triển manh mún, tự phát không thể giải quyết được số lượng lớn lao động và thu nhập ổn định cho người dân, như nghề chế biến lượng thực, nề, hàn xì...

Trước thực trạng này, Độc Lập đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về sự cần thiết phải phát triển nghề và làng nghề, bằng việc du nhập nghề mới có tính khả thi cao. Và cơ hội cho họ khi nằm liền kề với xã Minh Tân, Thái Phương  có nghề dệt may phát triển rất mạnh. Đây là nghề ổn định, cho thu nhập cao, giải quyết phần lớn lao động tại chỗ và cho các vùng lân cận.

Nhiều người dân Độc Lập cũng từng làm thuê cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất cho hai xã đó. Do đó, nhiều lao động  học được nghề đã nhanh chóng đầu tư mua máy dệt, liên kết với các đầu mối bao tiêu sản phẩm để đưa nghề về sản xuất. Điển hình như anh Phạm Văn Chuyền, thôn Phú Vinh là một trong những người đầu tiên đưa nghề dệt may về làng.

Anh cho biết, trước đây từng sang làng Mẹo (Phương La) để làm nghề đóng máy dệt thuê, thấy nghề này cho việc làm, thu nhập rất ổn định và có khả năng phát triển rộng hơn mà không lo không có đầu ra. Do đó, anh đã học hỏi kỹ thuật dệt và các bước để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Năm 1989, anh đã đóng hai máy dệt đặt tại nhà để làm, bước đầu giải quyết lao động cho chính gia đình mình và một vài lao động trong làng.

Đến nay, nhà anh luôn duy trì hai máy dệt, giải quyết việc làm ổn định cho 3 lao động, với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/ tháng. Đồng thời anh quản lý một tổ sản xuất, với 30 hộ/ 30 máy; anh bỏ tiền ra mua sợi để cung ứng cho các hộ dệt, sau đó thu gom lại sản phẩm để đem đi tẩy nhuộm. Việc làm hiện tại của anh Chuyền, không những tạo việc làm cho nhiều lao động mà còn thúc đẩy nghề dệt may phát triển.

Khác với anh Chuyền, gia đình anh Phạm Duy Hân, thôn Phú Vinh lại đứng ra thành lập doanh nghiệp để chuyên cung cấp nguyên liệu dệt, may và thu gom lại tẩy nhuộm, hoàn thiện sản phẩm trực tiếp xuất khẩu không qua khâu trung gian. Mặc dù hộ anh Hân mới đưa nghề dệt về từ năm 2004, nhưng phương thức làm có quy mô hơn, nên đã thu hút rất nhiều lao động trong làng. Mới đầu anh đầu tư 10 máy dệt để làm gia công cho Công ty dệt may Sơn Lam (Nam Định).

Song, gia đình anh nhận thấy nếu phát triển theo chiều hướng này thì bản thân cũng chỉ đi làm thuê cho người khác, đồng thời không thể phát triển mạnh nghề này được. Do đó, anh đã trực tiếp đứng ra mua nguyên liệu về cung ứng cho trên 200 máy dệt trong làng, sau đó thu gom hoàn thiện sản phẩm, xuất khẩu trực tiếp sang Nhật. Hiện, mỗi tháng gia đình anh xuất khẩu  từ 5- 6 công- ten-nơ, tương đương với 50 – 60 tấn khăn; giải quyết việc làm cho 50 lao động trực tiếp và trên 200 lao động vệ tinh, thu nhập bình quân đạt 100 nghìn đồng/người/ngày.

Anh Hân tâm sự: Nếu không có nghề dệt may thì không biết bà con làm gì để nâng cao cuộc sống, từ khi đưa nghề này về đã giải quyết phần lớn lao động dư thừa tại chỗ và cuộc sống của các hộ đã khấm khá rất nhiều...

Ông Bùi Thái Dương, Chủ tịch UBND xã cho hay: Hiện nay, toàn xã có 412 máy dệt, trên 200 máy may khăn, giải quyết việc làm cho gần 40% lao động của cả xã. Với những nỗ lực trên, Độc Lập hiện có 2/6 làng được tỉnh công nhận làng nghề, phấn đấu trong năm nay có thêm một làng được công nhận. Nhằm tiếp tục thúc đẩy nghề dệt may phát triển, Độc Lập đã quy hoạch điểm công nghiệp rộng 5,4 ha, tại trung tâm xã  tạo thuận lợi về thủ tục, hỗ trợ san lấp mặt bằng, vay vốn ngân hàng để kêu gọi các hộ sản xuất, doanh nghiệp vào đầu tư.

Nguyên Bình

  • Từ khóa