Thứ 3, 23/07/2024, 13:14[GMT+7]

Thụy Dân làm giàu từ nghề

Thứ 2, 30/08/2010 | 07:49:19
3,119 lượt xem
Một ngày nông nhàn giữa tháng 8, có dịp trở lại Thụy Dân chứng kiến tinh thần lao động hăng say, sự tất bật của người thợ làng tôi mới thực sự cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những làng nghề nơi đây. Vốn là xã thuần nông, có duy nhất nghề rèn, trải qua những thăng trầm của thời gian, biến động của nền kinh tế thị trường nhưng địa phương không chỉ duy trì, phát triển được nghề truyền thống mà còn du nhập thêm nhiều nghề mới, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, vươn lên trở thành xã

Nghề rèn ở làng An Tiêm - Thụy Dân. Ảnh: Nguyên Hình

Sau nhiều lần hỏi thăm, cuối cùng tôi cũng đến được nhà anh Ngô Xuân Luyến, cán bộ khuyến công đồng thời là một tiểu chủ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) lớn trong xã. Ngôi nhà mái bằng mới xây to rộng, giá trị vài trăm triệu đồng bên trong chất đầy những bao sợi, túi móc là thành quả lao động hai vợ chồng có được sau gần mười năm gắn bó với nghề.

Trước đây, anh và vợ đều làm ruộng, nhà có mấy sào quanh năm làm quần quật trên đồng mà chẳng đủ ăn. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng thoát nghèo, đến năm 2000, thấy nghề mây tre đan phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong huyện, anh quyết định tìm đến doanh nghiệp mây tre đan Thanh Bình (Thái Xuyên) nhận một ít hàng về làm thử. Ban đầu chỉ mình làm, sau đó nhận thêm về cho bà con hàng xóm cùng làm, dần dần có chút vốn lại đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Đến nay, anh đã liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất hai nghề móc sợi, mây tre đan, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động với mức lương bình quân từ 400 đến 500 ngàn đồng/người/tháng. Anh Luyến cho biết: hiện nay nghề và làng nghề ở Thụy Dân phát triển rất mạnh, sôi động.

Ngoài móc sợi, mây tre đan còn có thêm nhiều nghề khác như: rèn, may công nghiệp, thêu xuất khẩu, cơ khí, mộc, xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm... thu hút khoảng 2.000 lao động tham gia. Làm nghề gì bà con cũng có thu nhập, ít thì vài trăm ngàn đồng/tháng, nhiều tới vài triệu đồng. Toàn xã hiện có 15 cơ sở đứng ra tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên người dân rất yên tâm làm nghề. Xã có 2 làng An Tiêm và An Dân thì cả 2 làng đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề, địa phương đã hoàn thiện các thủ tục chờ được công nhận là xã nghề .

Theo chân anh Luyến đi dọc các trục đường chính, đến khắp các thôn cùng, ngõ hẻm đâu đâu tôi cũng thấy bóng dáng của một xã nghề, không khí lao động tất bật, bận rộn, ai ai cũng có việc để làm. Từ cụ già đến các em nhỏ, từng tốp phụ nữ, người nào cũng thoăn thoắt các đường đan, kim thêu cho ra đời những sản phẩm mây tre, túi móc, họa tiết hoa văn trên vải khá tinh xảo, đầy màu sắc. Mới đến đầu thôn An Tiêm, nơi có nghề rèn truyền thống đã nghe thấy âm thanh náo động của tiếng đập đe, đập búa, máy cắt gọt, từng tốp trai tráng lao động không biết mệt nhọc bên những bễ lò rèn rực lửa. Theo lời một số cụ già trong làng, nghề rèn của làng An Tiêm có khoảng 700 năm nay, nổi tiếng khắp trong vùng. Qua những thăng trầm của thời gian nhưng nghề vẫn được duy trì, phát triển. Trước đây, sản phẩm của làng nghề chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội bộ trong dân.

Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường, các chủ cơ sở đầu tư búa máy và nhiều máy móc chuyên dụng khác về nâng cao năng lực sản xuất. Cả làng hiện có 56 lò rèn, tạo công ăn việc làm cho gần 300 lao động, trong đó 3 cơ sở sản xuất lớn thu hút từ 15 đến 30 lao động . Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, gồm những vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất  như: dao, liềm, cuốc, xẻng đến các chi tiết máy móc phức tạp... được tiêu thụ khắp trong cả nước, xuất sang Lào và Campuchia.

So với các nghề khác, nghề rèn lao động dù vất vả, nhưng thu nhập rất cao, thợ bình thường lương bình quân đạt từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng, những thợ giỏi thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng là chuyện thường còn với các chủ lò, thu nhập cao hơn rất nhiều. Anh Ngô Thanh Quang, chủ cơ sở rèn Quang Minh ( thôn An Tiêm III) là một điển hình.  Làm rèn đã 20 năm, đến nay anh đã gây dựng cơ ngơi sản xuất trị giá cả tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động. Bình quân mỗi tháng, cơ sở xuất ra thị trường 4 vạn dao, 2 vạn cuốc xẻng,  liềm... các loại.

Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Văn Diệu khẳng định: Thụy Dân đạt được bước đột phá trong phát triển nghề và làng nghề là do những năm qua cấp uỷ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc duy trì nghề truyền thống, du nhập thêm nghề mới về tạo việc làm, tăng thu nhập  cho người dân. Trên cơ sở Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, xã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển nghề và làng nghề, xây dựng chương trình hành động, triển khai tới các ban ngành, đoàn thể, cơ sở thôn, từng hộ gia đình. 

Tổ chức cho một số cán bộ, tiểu chủ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các làng nghề trong và ngoài tỉnh, sau đó lựa chọn những nghề phù hợp du nhập vào địa phương. Hàng tháng, cán bộ khuyến công báo cáo với UBND xã tình hình phát triển nghề của địa phương, tham mưu tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất. 3 tháng một lần, xã  gặp mặt các tiểu chủ cùng rút kinh nghiệm, định hướng phát triển nghề trong thời gian tới. Cuối năm, tổ chức khen thưởng cho những cá nhân có thành tích trong phát triển nghề  và làng nghề nên đã thực sự động viên cả các tiểu chủ và người lao động nỗ lực, hăng say sản xuất.

Ngay như 2 năm 2008-2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nghề ở nhiều địa phương chững lại nhưng với Thụy Dân vẫn duy trì sản xuất. Các tiểu chủ tự vượt qua khó khăn bằng cách chấp nhận chịu lỗ, ứng trước tiền trả công sòng phẳng cho bà con nên người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với nghề. 

Nếu như năm 2006, giá trị sản xuất TTCN toàn xã mới đạt 11 tỷ đồng, chiếm 31,3% cơ cấu kinh tế thì đến năm 2010 ước tính đạt khoảng 39 tỷ đồng, chiếm 60,3%. Nghề và làng nghề phát triển, Thụy Dân được huyện hỗ trợ đầu tư xây dựng đường làng nghề trị giá 2,3 tỷ đồng khang trang. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên, nhiều hộ xây được nhà mái bằng, nhà cao tầng kiên cố. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn 5,9%.

Mong muốn lớn nhất của các tiểu chủ cũng như người dân địa phương là huyện, xã sớm hoàn thiện quy hoạch, triển khai xây dựng điểm công nghiệp làng nghề Thụy Dân để các cơ sở đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động góp phần để nghề và làng nghề nơi đây phát triển ổn định và bền vững.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa