Thứ 3, 23/07/2024, 09:39[GMT+7]

Đông La Quanh năm bận rộn với nghề

Thứ 2, 18/02/2013 | 09:16:22
890 lượt xem
Bất kể thời điểm nào về xã Đông La (Đông Hưng) chúng ta đều được chứng kiến người dân nơi đây tất bật làm nghề. Từ việc duy trì nghề truyền thống kết hợp du nhập thêm nhiều nghề mới đã giúp nơi đây đang từng ngày thay da đổi thịt: đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ giàu ngày càng tăng...  

Nghề làm hương của một gia đình thôn Thuần Túy (Đông La, Đông Hưng)

Là xã có 3.038 hộ với 10.800 khẩu, đến nay 7/7 thôn của Đông La đều có nghề thu hút được nhiều lao động tham gia. Một số nghề truyền thống đang từng bước được khôi phục lại như thêu thảm, đan tre. Từ năm 2002, xã được UBND tỉnh công nhận là xã đa nghề, năm 2005 có 2 làng nghề và tới năm 2012 thôn Cổ Dũng 2 và thôn Thuần Túy tiếp tục được công nhận làng nghề. Ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết: để có được kết quả trên, những năm qua Đông La xác định tìm việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố quyết định để các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Đông La đã có nghị quyết và chương trình hành động về việc khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, mở mang và tiếp thu những ngành nghề mới để tạo việc làm cho người lao động. Sử dụng hiệu quả vốn quỹ khuyến công để đào tạo nghề, riêng năm qua cùng với ngân sách xã, Đông La đã mở 8 lớp đào tạo nghề cho 600 lao động. Địa phương còn tổ chức 5 chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các làng nghề khác. Do đó nghề đã phát triển mạnh trong khu vực hộ gia đình cả về số lượng lao động và giá trị sản xuất.

 

Nếu như năm 2011, toàn xã có 840 hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với 54 nghề giải quyết việc làm cho 2.750/5.500 lao động, chiếm 49,5% thì tới nay đã có 1.984 hộ với 54 nghề giải quyết việc làm cho 3.561/5.900 lao động, chiếm tới 60,3% tổng số lao động của toàn xã. Cũng vì thế mà giá trị sản xuất của nghề và làng nghề năm 2012 đã đạt 67.690 triệu đồng, tăng 128% so với năm 2011. Nhiều doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất đã thu hút được hàng trăm lao động có việc làm và thu nhập ổn định như tổ sản xuất đệm cói xuất khẩu của anh Bùi Công Chiến (thôn Bảo Châu) có trên 300 lao động; tổ thêu, may của anh Bùi Phó Duật (thôn Đồng Vi) có 60 lao động; tổ thêu của chị Bùi Thị Nết có trên 100 lao động...

 

Thôn Thuần Túy được coi là có nghề và làng nghề phát triển mạnh nhất xã. Ông Phan Thanh Tấn - Trưởng thôn cho biết: là thôn có số dân đông nhất xã với 614 hộ, trước kia Thuần Túy là thôn nghèo, đời sống người dân khó khăn. Nhưng từ khi các ngành nghề phát triển mạnh như thêu thảm, đệm cói, cơ khí, hương, mộc, may... thì cả thôn đã đổi khác. Toàn thôn hiện có 1.350 lao động, trong đó 778 lao động tham gia làm nghề, chiếm 58%. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất của thôn đạt 33.875 triệu đồng thì giá trị sản xuất từ nghề là 24.167 triệu đồng, chiếm 76%. Hiện nay, 100% hộ trong thôn có phương tiện đi lại, nghe nhìn, trên 70% hộ có nhà mái bằng, cao tầng, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,8%. Nhiều nghề đã được các hộ dân đầu tư sản xuất quy mô lớn đem lại nguồn thu cao. Điển hình như Công ty Cổ phần Thương mại & dịch vụ gương kính Trường An. Hiện Công ty xuất hàng nghìn sản phẩm/năm, không chỉ đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở gia công cơ khí nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Quang. Đã hơn 20 năm làm nghề gia công này, hàng năm bước vào thời vụ cơ sở này đều xuất hàng chục bộ sản phẩm cho các đại lý, hộ dân trong tỉnh. Riêng vụ vừa qua, cơ sở xuất được gần 70 bộ, dự tính cả năm 2012 sẽ xuất khoảng 80 bộ đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

 

Tới cơ sở sản xuất hương Bùi Thị Mùa - là 1 trong 113 hộ làm hương của thôn, chúng tôi thấy trong số hơn 10 lao động thường xuyên làm ở đây có cụ già tới trên 80 tuổi như cụ Bùi Thị Kính, Phạm Thị Thỏa vẫn tham gia làm những việc nhẹ nhàng với thu nhập trung bình 30.000 đồng/ngày. Chị mùa cho biết: trên 10 năm làm nghề hương, mặt hàng nhà chị làm ra tới đâu bán hết tới đó, mỗi tháng trung bình xuất 40-50 vạn hương; thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Riêng dịp Tết là khoảng thời gian bận nhất bởi nhu cầu hàng tăng gấp 3 lần bình thường nên thường xuyên phải làm cả ngày lẫn tối.

 

Ngoài phát triển nghề và làng nghề phân tán trong dân, Đông La còn quy hoạch đất dành cho phát triển cụm công nghiệp. Đến nay có 35 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động với diện tích đất đã thuê 26,9 ha, tạo việc làm thường xuyên cho 1.700 lao động trong xã với mức thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên/người/tháng. Dự kiến đến 2020, Đông La sẽ thu hút thêm 20-30 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư vào địa bàn.

 

Bài: Thu Thủy - Ảnh: Minh Đức

 

 

  • Từ khóa