Thứ 3, 23/07/2024, 13:22[GMT+7]

Nghề và làng nghề phát triển bền vững

Thứ 3, 31/08/2010 | 08:07:11
2,546 lượt xem
Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều bước tiến tích cực trong duy trì và phát triển nghề, làng nghề. Nhờ đó, đời sống của nhân dân tại các làng nghề được từng bước nâng lên góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn.Tuy nhiên, bên cạnh "cái được" đó thì người dân ở những vùng này đang phải đối mặt với một thực tế là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Sự phát triển nghề và làng nghề ở các địa phương

Toàn tỉnh hiện có trên 219 làng nghề đang hoạt động thu hút và tạo việc làm cho hàng vạn lao động trong tỉnh. Sự phát triển của các làng nghề kéo theo  tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất thủ công lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư và không có hệ thống xử lý nước thải và khí thải.

Huyện Quỳnh Phụ có nghề và làng nghề rất phát triển với 31 làng nghề, giải quyết việc làm cho trên 2 vạn lao động góp phần tích cực trong quá trình xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, do các làng nghề và xã nghề nằm xen kẽ giữa các khu dân cư nên việc kiểm soát các nguồn thải gặp rất nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt, nước thải từ các làng nghề, xã nghề thường gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt. Theo kết quả điều tra về nguồn nước thải phát sinh từ các làng nghề thì nồng độ các chất ô nhiễm chứa trong nước ở mức cao. Điển hình như nước thải làng nghề chế biến tinh bột có chỉ tiêu BOD vượt mức quy chuẩn từ 11 - 20 lần; COD vượt từ 10 - 20 lần; amoni vượt 2 lần và coliform vượt gần 80 lần.

Ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay không chỉ riêng ở huyện Quỳnh Phụ mà còn xuất hiện ở nhiều nơi khác. Điển hình là tại vùng nghề chạm bạc truyền thống gồm các xã Lê Lợi, Hồng Thái và Trà Giang, quy trình công nghệ chạm bạc đòi hỏi phải sử dụng hoá chất như axit nitric đậm đặc. Theo điều tra thì tình trạng ô nhiễm khí độc chủ yếu xảy ra trong công đoạn làm sạch phôi, hoá bạc và mạ bạc với chất khí như SO2. 

Ngoài ra, lượng bạc tham gia vào công đoạn mạ cuối cùng sau khi các sản phẩm thô đã được tẩy rửa và tạo bề mặt nhám để tăng độ bám. Tuy nhiên, lượng bạc dư không bám hết vào bề mặt nhám sẽ theo  nước thải ngấm vào đất và nước ngầm.

Tình trạng ô nhiễm nước thải, khí thải của các làng nghề dệt tẩy nhuộm Thái Phương - Hưng Hà, Nam Cao - Kiến Xương; làng nghề chế biến thực phẩm Vũ Hội - Vũ Thư; làng nghề chế biển thuỷ hải sản Nam Thịnh - Tiền Hải, Thuỵ Hải - Thái Thuỵ; làng nghề mây tre đan Thượng Hiền - Kiến Xương, Thái Xuyên - Thái Thuỵ… cũng đang trong tình trạng báo động. Do phải sử dụng chất lưu huỳnh trong sấy nguyên liệu, sử dụng hoá chất tẩy trắng, tẩy mốc gây trong quá trình sản xuất… nên nước thải của các làng nghề này không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường đã ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân địa phương và khu vực lân cận.

Có thể nói nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phần lớn là cơ sở vừa và nhỏ, quy mô tài chính thấp nên không đủ kinh phí đầu tư cho việc xử lý chất thải. Bên cạnh đó, mặc dù đã cam kết trước khi triển khai hoạt động nhưng ý thức chấp hành Luật bảo vệ môi trường của nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và của một bộ phận nhân dân chưa cao.

Cái khó hiện nay là các làng nghề đều nằm xen kẽ trong khu dân cư để tận dụng nhân lực, nhất là không phải thuê địa điểm sản xuất; các cơ sở làm nghề sản xuất phân tán, công nghệ sản xuất thủ công… đã gây nhiều khó khăn cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, những hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã và đang thực hiện chưa đủ để cải thiện tình hình hiện nay ở các làng nghề.

Do vậy, môi trường tại các địa phương có làng nghề, xã nghề rất cần có những biện pháp đồng bộ thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Đó sẽ là yếu tố quan trọng, là nền tảng để nghề và làng nghề hiện nay phát triển bền vững trong tương lai.

Mai Thư


  • Từ khóa