Thứ 6, 26/04/2024, 21:03[GMT+7]

Thành công nhờ robot ép cọc

Thứ 5, 28/04/2022 | 10:54:27
3,877 lượt xem
Công ty Cổ phần 1285 (có trụ sở tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, tiền thân là một phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng và khoan khảo sát địa chất công trình, được thành lập từ năm 2010. Nhờ không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, Công ty đã bước đầu khẳng định vị trí trong ngành xây dựng.

Robot ép cọc của Công ty cổ phần 1285 thi công ép cọc tại công trình cầu Diêm Điền, thuộc tuyến đường bộ ven biển.

Anh Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Qua tìm hiểu và đánh giá thực tế, nhận thấy nhu cầu về ép cọc bê tông các công trình khá khả quan, trong khi công nghệ ép cọc tại tỉnh Thái Bình thời điểm năm 2017, 2018 còn khá lạc hậu, thủ công, chủ yếu là ép Neo, ép tải đối trọng hoặc các công trình lớn phải thuê đơn vị ép cọc từ các tỉnh như Nam Định, Hải Phòng. 

Tự nhủ rằng, mình là doanh nghiệp ra đời sau, còn non kinh nghiệm trong nghề nên muốn có được thị phần và được khách hàng tin tưởng, lựa chọn thì phải có đột phá về công nghệ. Anh Dũng đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu những ưu điểm, hạn chế về robot ép cọc. Đầu năm 2018, anh quyết định đầu tư 3 robot ép cọc với số tiền 8 tỷ đồng, trong đó robot lớn nhất có tải trọng lên đến 260 tấn, đường kính cọc tương ứng là 400mm, phục vụ chủ yếu nhu cầu ép cọc bê tông, xử lý nền móng cho các công trình dưới 15 tầng. 

Khi nói về robot ép cọc, ánh mắt người giám đốc trẻ tuổi sáng rực hy vọng: Trung bình, một robot ép cọc có thể ép được từ 30 - 45 tim cọc/ngày, tùy vào chiều dài cọc. Trong khi với công nghệ cũ, mỗi ngày chỉ ép được 10-20 cọc. Đây là ưu điểm lớn nhất của robot ép cọc. Quyết định đầu tư lần này có thể coi là quyết định bước ngoặt cho sự phát triển của Công ty sau này. Sự xuất hiện của các robot ép cọc từ công trình dân sinh đến các công trình cao tầng giúp Công ty Cổ phần 1285 dần có sự tin tưởng, ủng hộ của đối tác trong và ngoài tỉnh. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chỉ huy trưởng thi công tuyến đường bộ ven biển cho biết: Hiện nay, công trình tuyến đường bộ ven biển đang sử dụng công nghệ ép cọc bê tông của Công ty Cổ phần 1285. Ưu điểm của robot ép cọc so với công nghệ cũ trước đây là giảm thời gian di chuyển vị trí máy giữa các tim cọc giúp quy trình ép cọc được diễn ra nhanh chóng, độ chính xác cao và tiết kiệm chi phí nhân công tối đa. Ngoài ra, các hạng mục thi công trên tuyến đường bộ ven biển có quy mô lớn đòi hỏi lực ép có tải trọng cao nên sử dụng robot ép cọc giúp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, quan trọng hơn đó là bảo đảm an toàn lao động do quá trình vận hàng robot tự động hóa tuân thủ tuyệt đối quy trình của nhà sản xuất.

Robot ép cọc của Công ty 1285 thi công ép cọc tại công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải.

Từng bước khẳng định được chỗ đứng trong ngành, năm 2021 Công ty Cổ phần 1285 tiếp tục đầu tư thêm 3 robot cỡ lớn, hướng tới các công trình quy mô lớn hơn, thiết kế trên 15 tầng. Hiện nay robot lớn nhất của Công ty có tải trọng lên tới 680 tấn, đang trực tiếp thi công ép cọc tại các công trình như: công trình tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cao 15 tầng; công trình Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải, qua đó khẳng định được chỗ đứng của Công ty trong lĩnh vực thi công ép cọc tại Thái Bình. 

Đánh giá về những ưu điểm của việc đầu tư, đổi mới công nghệ, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, ông Khúc Hữu Hằng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết: Công nghệ ép cọc bê tông bằng robot đang được áp dụng tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc ép cọc bằng robot góp phần bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, xử lý nền móng đối với các công trình do áp dụng máy có công suất lớn và ép cọc giúp cho cọc vững chắc, ổn định và bền lâu. 

Trong hành trình hơn 10 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần 1285 từng bước tiếp cận và mở rộng thị trường. Hiện nay, doanh nghiệp này không chỉ cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các công trình trên địa bàn tỉnh mà còn vươn ra các địa phương lân cận. Mức tiêu thụ sản phẩm của Công ty ngày càng tăng lên với sản lượng đạt khoảng 20 vạn cọc/năm. Đặc biệt, năm 2021, robot ép cọc của Công ty đã tham gia thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn. 

Mặc dù là doanh nghiệp có quy mô chưa lớn, nhưng Công ty Cổ phần 1285 luôn quan tâm, chăm lo đời sống người lao động. Từ một phòng thí nghiệm xây dựng chỉ có 6 người, đến nay, Công ty đã và đang tạo công ăn việc làm cho gần trên 150 lao động, với thu nhập bình quân từ 8 – 12 triệu đồng/tháng/người. Vào thời điểm số lượng đơn hàng tăng cao, doanh nghiệp này thường xuyên thuê thêm lao động thời vụ.

Bằng sự mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực ép cọc bê tông cùng với sự năng động, linh hoạt trong kinh doanh, tinh thần làm việc tích cực của cả tập thể người lao động Công ty Cổ phần 1285, tin rằng, trong tương lai không xa, doanh nghiệp này sẽ ngày càng lớn mạnh và phát triển.

Nguyễn Thơi