Thứ 6, 19/04/2024, 05:56[GMT+7]

Đông Hưng: Doanh nghiệp dệt may lấy lại đà tăng trưởng

Thứ 5, 19/05/2022 | 08:21:27
2,121 lượt xem
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành dệt may vẫn gặt hái được những kết quả đáng mừng, mở ra tín hiệu vui cho cả năm 2022. Hầu hết các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn huyện Đông Hưng đã ký được đơn hàng đến hết năm 2022, có doanh nghiệp đã có đơn hàng cho năm sau.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (cụm công nghiệp Đông Phong) đầu tư dây chuyền hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm.

Không còn tâm lý lo lắng khi công việc bị gián đoạn, thu nhập giảm do dịch bệnh, thay vào đó là sự hào hứng, miệt mài làm việc của trên 1.000 công nhân của Công ty Cổ phần Đô Lương (cụm công nghiệp Đô Lương) để cùng doanh nghiệp hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. 

Anh Lê Văn Hưng chia sẻ: Tôi làm ở đây được hơn 4 năm, từ đầu năm đến nay công việc ổn định hơn; lương cao hơn, trên 7 triệu đồng/tháng. Công ty rất quan tâm tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ phúc lợi cao hơn một số công ty khác, chúng tôi yên tâm làm việc, gắn bó với Công ty.

Khả năng thích ứng với dịch bệnh của doanh nghiệp và người lao động cùng với tín hiệu khả quan khi các thị trường lớn như Mỹ, EU... mở cửa trở lại và từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, tạo sự dịch chuyển mạnh mẽ đơn hàng từ khắp các châu lục đến Việt Nam đã tạo nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may đang được hưởng lợi. 

Ông Ninh Xuân Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Đô Lương cho biết: Công ty chủ động triển khai xúc tiến thị trường, xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề cao, cải tiến kỹ thuật tạo ra nhiều sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao, làm tốt công tác phòng, chống dịch nên đã lấy lại đà tăng trưởng. 4 tháng đầu năm, Công ty đạt mức tăng trưởng 134% so với cùng kỳ năm 2021, lương bình quân của người lao động tăng 3% so với cùng kỳ. Ngay từ cuối năm 2021, Công ty đã ký đủ đơn hàng đến hết quý IV/2022. Dự kiến doanh thu năm 2022 đạt khoảng 5,5 triệu USD, tăng 145% so với năm 2021; phấn đấu lương bình quân đầu người đạt trên 8 triệu đồng/tháng. Hiện Công ty đang xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất hàng jacket cao cấp với giá trị đầu tư 50 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm mới cho gần 500 lao động.

Với quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tường Lan (xã Đông Kinh) đã chủ động lên kế hoạch ứng phó để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa linh hoạt thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản xuất. 

Ông Trần Quang Tường, Giám đốc Công ty chia sẻ: Công ty tìm mọi biện pháp, nhắc nhở cũng như quán triệt người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức tăng ca với chế độ đãi ngộ tương xứng nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất cũng như kế hoạch xuất hàng. 100% người lao động của Công ty đã hoàn thành các mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định nên yên tâm làm việc.

Thực tế cho thấy, doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may trong những tháng qua đều có mức tăng trưởng vượt bậc từ 20 - 30% bởi đơn hàng có số lượng lớn, giá trị gia công cao. Nhưng điều đó cũng đặt ra cho các doanh nghiệp dệt may không ít thách thức, áp lực. 

Ông Bùi Đức Dự, Giám đốc Công ty TNHH May Bình Minh - ATC (cụm công nghiệp Đông La) cho biết: Nếu năm 2021, Công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khủng hoảng về đơn hàng nhưng năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thị trường phục hồi, đơn hàng từ các nước dồn về Việt Nam nhiều, Công ty đã ký đơn hàng xuất khẩu với lượng hàng lớn cho cả năm 2022 với doanh nghiệp một số nước thành viên Liên minh châu Âu, Mỹ, Myanmar... Để đáp ứng đơn hàng đã ký, bên cạnh việc chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, Công ty đang đầu tư mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư thêm máy móc hiện đại, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cùng các chế độ phúc lợi khác cho người lao động vừa để giữ chân lao động vừa thu hút thêm lao động có tay nghề. Thị trường phục hồi là tín hiệu đáng mừng cho ngành dệt may nói chung, cho Công ty nói riêng, song chúng tôi vẫn rất trăn trở trước các khó khăn, thách thức đang đặt ra, trước hết là thị trường lao động, giá nguyên liệu, chi phí đầu vào và một số giá dịch vụ trong xuất, nhập khẩu tăng. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Có lợi thế đơn hàng dồi dào song trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, giá cả nguyên liệu tăng, chi phí để đưa hàng đến tay người tiêu dùng tăng cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thời gian vận chuyển hàng hóa dài hơn... sẽ tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng. Vì thế, thời gian tới các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn huyện Đông Hưng vẫn phải chủ động nhiều phương án để tránh rơi vào tình trạng bị động.

Công nhân Công ty Cổ phần Đô Lương (cụm công nghiệp Đô Lương) hăng say lao động để cùng doanh nghiệp bảo đảm xuất hàng đúng thời gian.

Hiếu Nghĩa