Thứ 3, 23/07/2024, 09:34[GMT+7]

Mây tre đan Thượng Hiền Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Thứ 3, 19/03/2013 | 08:59:53
2,191 lượt xem
Không chỉ tự hào là quê hương anh hùng, Thượng Hiền còn nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu Đó là nghề truyền thống của địa phương, nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Các sản phẩm được đóng gói xuất khẩu.

Xã Thượng Hiền (Kiến Xương) có diện tích đất tự nhiên 500,7 ha, diện tích đất canh tác trên 300 ha với 2.020 hộ, 6.950 khẩu, trong đó có 2.635 người trong độ tuổi lao động. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất đạt 56 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2011. Trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản chiếm tới 39,8%. Không chỉ tự hào là quê hương anh hùng, Thượng Hiền còn nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu Đó là nghề truyền thống của địa phương, nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Làng nghề truyền thống mây tre đan xuất khẩu của Thượng Hiền được UBND tỉnh cấp bằng công nhận từ năm 2007. Tuy nhiên nghề xuất hiện tại mây tre đan của địa phương từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Về Thượng Hiền, đâu đâu cũng thấy mây, trên mỗi mảnh vườn, bờ dậu là những rặng mây. Nhà nhà đan mây, người người làm mây, thu nhập từ ngành nghề đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Toàn xã hiện có 302 gia đình có từ 2 – 5 người tham gia làm nghề. Năm 2012, thu nhập từ nghề và làng nghề trong xã đạt 25,3 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2011; thu nhập bình quân từ nghề đạt 1.300.000 – 1.700.000 đồng/người/tháng.

Đặc biệt, với quyết tâm sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, những năm qua Thượng Hiền đã có nhiều chủ trương biện pháp để duy trì và phát triển làng nghề như: tạo mọi điều kiện để nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để phát triển và mở rộng sản xuất; phối hợp với Phòng Công Thương huyện tổ chức các đoàn tham quan, tìm hiểu thị trường, chào hàng…; bố trí, quy hoạch các vị trí đất thuận lợi cho các công ty, cơ sở sản xuất thu gom, tiêu thụ sản phẩm…

Năm 2012, UBND xã đã quy hoạch mặt bằng để xây dựng ở 3 khu sản xuất tập trung với diện tích 10 ha; giải quyết cho 1 công ty, 2 doanh nghiệp thuê đất để mở rộng sản xuất. Hiện, toàn xã có 2 công ty chuyên thu mua và sản xuất các sản phẩm mây tre đan, 20 tổ hợp vừa sản xuất vừa thu gom hàng hóa. Đi đầu trong phát triển nghề của địa phương là Công ty cổ phần Thương mại song mây Dũng Tấn với 35 vườn ươm mây giống, diện tích 4,1 ha, giải quyết việc làm trực tiếp cho 300 lao động. Công ty đang mở rộng sản xuất mặt ghế mây tạo việc làm cho trên 100 lao động. Doanh nghiệp Du Dương, thôn Văn Lăng chuyên sản xuất hàng mây tre, bèo, mỗi tháng xuất 01 côngtennơ hàng, doanh số đạt 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động trực tiếp và 1.200 lao động ở các xã lân cận với thu nhập đạt trên 2 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ có thể tranh thủ làm mọi lúc, mọi nơi mà nghề mây tre đan còn thích hợp với mọi lứa tuổi, từ các em học tiểu học tới các cụ già. Chính điều đó góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển nghề của địa phương.

Đến năm 2015, xã phấn đấu có 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với 2.500 lao động, thu nhập đạt 1.500.000 – 2.000.000 đồng/người/tháng, tổng giá trị thu nhập từ nghề, làng nghề đạt trên 28 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, hướng của huyện là mở rộng vùng cung cấp mây nguyên liệu tại chỗ bằng cách chuyển diện tích hai lúa kém hiệu quả sang trồng mây nguyên liệu. Đồng thời, liên kết với các nông trường, các dự án trồng rừng để cung cấp mây giống và tiêu thụ mây thương phẩm cho địa phương…

Tuy nhiên, trên thực tế, nghề mây tre đan ở Thượng Hiền đang gặp phải rất nhiều trở ngại. Từ thập niên 90 trở lại đây,  thị trường mây tre cạnh tranh khốc liệt, mẫu mã luôn thay đổi, thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại sản xuất và phát triển song mây Dũng Tấn cho biết: thị trường các nước tư bản không chỉ khó tính trong lựa chọn mẫu mã, chất lượng mà còn quan tâm tới nguyên liệu làm nên sản phẩm. Khai thác mây tự do trên những cánh rừng rất dễ bị đánh đồng với việc phá rừng, vô tình phát triển nghề truyền thống trở thành “tiếp tay” cho lâm tặc phá rừng. Đây là một trong những lý do khách hàng từ chối các đơn hàng. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại còn ít, sản phẩm làm ra chưa được quảng bá, giới thiệu rộng rãi…

Một bất cập nữa khi chúng tôi ghé thăm các cơ sở thu mua, đóng gói sản phẩm đó là các sản phẩm: mặt ghế, hàng hoa (lẵng, giỏ), các vật dụng trang trí… được bàn tay khéo léo của các chị em tạo nên nhưng ngoài thùng bìa catton đóng gói không ghi là “made in Thuong Hien” là một cái tên nước ngoài. Giải thích cho điều này, ông Phạm Đức Thơi, cán bộ khuyến công xã cho biết: bản thân các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề cũng chỉ là một vệ tinh chuyên nhận các đơn đặt hàng về thuê nhân công, giao cho các đầu mối nhỏ hơn gia công, mặt hàng qua nhiều khâu trung gian mới được xuất khẩu ra nước ngoài. Các đơn hàng đều làm theo yêu cầu, có mẫu sẵn, thực chất cũng chỉ là làm thuê. Ông Thơi chia sẻ thêm: “nghề mây tre đan phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại để hun sấy, bảo quản sản phẩm. Lượng hóa chất sau khi tẩy rửa  gây ô nhiễm cho môi trường, đặc biệt là khói có chất lưu huỳnh lan tỏa nhanh trong không khí, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, sức khỏe của người dân.  Rất mong các cấp có thẩm quyền hỗ trợ nguồn kinh phí, chuyển giao kỹ thuật để xử lý nguồn độc hại này.”

Phát triển nghề và làng nghề là một trong những bước đi đúng đắn vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa giải được bài toán cơ cấu lao động. Tuy nhiên làm thế nào để các làng nghề trụ vững trên thương trường, phát triển bền vững vẫn còn là câu hỏi khó. Lời giải ấy không chỉ ở bản thân các làng nghề mà còn là sự chung tay góp sức của tất cả các cấp ngành và của toàn xã hội.

Bài, ảnh: Lưu Ngần

  • Từ khóa