Thứ 2, 23/12/2024, 00:22[GMT+7]

"Sản xuất công nghiệp sẽ khả quan hơn trong quý II"

Thứ 2, 01/04/2013 | 15:03:33
883 lượt xem
Dấu hiệu "ấm lên" của sản xuất công nghiệp cũng có sự đóng góp từ ngành dệt may, Bộ Công Thương cho biết, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý II, thậm chí quý III, các doanh nghiệp vẫn đang đàm phán để có các đơn hàng lớn.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tại buổi họp giao ban công tác quý I do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/4, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vỵ cho biết, nhiều doanh nghiệp trong nước đang gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để đẩy mạnh sản xuất cho thấy trong quý II, tình hình sản xuất công nghiệp sẽ khả quan hơn.

Đáng chú ý là ngành thép, những nhà máy trước đây sản xuất cầm chừng thì nay công nhân đã quay lại làm việc và đầu ra cũng tốt hơn, hiện tồn kho của ngành đã giảm mạnh, quanh quẩn mức 280.000 tấn.

Dấu hiệu "ấm lên" của sản xuất công nghiệp cũng có sự đóng góp từ ngành dệt may, Bộ Công Thương cho biết, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý II, thậm chí quý III, các doanh nghiệp vẫn đang đàm phán để có các đơn hàng lớn.

Nhìn lại quý I, đây là quý có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá thấp, điều này đã kéo theo hệ lụy là đẩy hàng tồn kho của nhiều ngành tăng cao.

Cụ thể, trong ba tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,9%; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,5%... Đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ của những năm gần đây (cùng kỳ năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 tăng 5,9%).

"Trong quý I/2013 chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng tương đương với tốc độc tăng GDP, điều này cho thấy, sản xuất công nghiệp của quý này vẫn gặp nhiều khó khăn," ông Vỵ cho hay.

Dẫn báo cáo của Bộ Công Thương, ông Vỵ nhấn mạnh, ngành công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn nhất. Theo đó, chỉ số sản xuất giảm ở nhóm các mặt hàng tiêu dùng như nhóm hàng thực phẩm, thuốc lá, sản phẩm điện tử, thiết bị điện, xe có động cơ, bàn, ghế giường tủ, sản xuất thuốc, hóa dược... những nhóm hàng này là hàng tiêu dùng có tính thời vụ cao.

"Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến thì có đến 15 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất và phân phối điện cũng tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước, từ 12,5% trong năm 2012, xuống còn 8,5% vào năm 2013 đã cho thấy sự suy giảm của sản xuất, " ông Vỵ nói.

Sản xuất giảm, chỉ số tồn kho cũng có dấu hiệu tăng trở lại, tính đến đầu tháng Ba, lượng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 16,5% so với cùng thời điểm năm trước.

Một số ngành chỉ số tồn kho cao là: sản xuất dây, cáp điện tăng 62%, cấu kiện kim loại tăng 35,6%, xe có động cơ tăng 37,3%, bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 28%, hóa chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,4%...

Về nguyên nhân, lãnh đạo Vụ kế hoạch cũng chỉ ra rằng, do nghỉ Tết dài đến 10 ngày đã khiến cho lượng hàng hóa bị "dồn ứ'. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu; các công trình xây dựng mới bắt đầu chưa vào vụ, tồn kho của một số ngành như xi măng, sắt thép, dây cáp điện, cấu kiện kim loại... còn ở mức cao, sản xuất hàng hoá vì thế tăng chậm lại.

Để hỗ trợ sản xuất, tại buổi họp giao ban, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương triển khai đồng bộ các giải pháo nhằm đẩy mạnh sản xuất, giảm hàng tồn kho và gia tăng xuất khẩu đồng thời tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh...

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết cũng sẽ linh hoạt và có các giải pháp mạnh nhằm tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng và thị trường các nước có chung đường biên giới.

“Các đơn vị chức năng phải đẩy mạnh thực hiện xúc tiến thương mại nội địa nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho và tăng cường sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu, đẩy mạnh tiết kiệm chống lãng phí ngay từ những tháng đầu năm,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn vietnam+on>

 

  • Từ khóa