Thứ 3, 23/07/2024, 07:30[GMT+7]

Ngành điều Việt Nam: Nguy cơ mất thương hiệu số 1 thế giới

Thứ 6, 05/04/2013 | 09:30:04
734 lượt xem
Nếu doanh nghiệp (DN) chế biến nhập điều thô chỉ phải bỏ ra 1.000 USD/tấn thì khi thu mua điều trong nước DN phải bỏ ra 1.500 USD/tấn. Sự chênh lệch khá lớn về giá đã khiến nhiều DN ồ ạt nhập điều từ Châu Phi, chế biến rồi xuất khẩu dưới mác điều VN.

Hiện tại, người bán hàng gần như phải chấp nhận các điều kiện thanh toán và giao nhận của người mua

Trong khi đó điều VN có chất lượng rất tốt còn điều Châu Phi chất lượng kém, ít độ béo và độ giòn. Thế nhưng, hiện nhiều DN đã quay lưng với điều trong nước mà chỉ chú trọng nhập khẩu khiến nguy cơ thương hiệu điều số 1 thế giới của VN lung lay.

 

Vì đâu nên nỗi?

 

Theo Báo cáo của Hiệp hội Điều VN, năm nay ngành điều dự kiến nhập khoảng 400.000 tấn, cao hơn 100.000 tấn so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích, sản lượng điều tại hầu hết các tỉnh, đặc biệt là Bình Phước giảm mạnh. Chỉ tính riêng tại Bình Phước, tổng diện tích điều còn khoảng 140.000 ha, giảm 30% so trong vòng 5 năm trở lại đây. Năm nay do mất mùa nên chỉ đạt trung bình 1,2 tấn/ha, thậm chí có nơi chỉ đạt vài tạ/ha.

 

Nhiều DN chế biến điều tại Bình Phước cho rằng, cách đây vài tháng, các DN đổ hết tiền thu mua điều trong nước với giá cao trên 30.000 đồng/kg điều thô, trong khi đó ở thời điểm này chỉ có 24.000 đồng/kg. Hàng tồn kho đã khiến nhiều DN thua lỗ nặng, đứng trước nguy cơ phá sản.

 

Thời điểm hiện tại giá xuất khẩu điều sang các nước Châu Âu khoảng 7,4 USD/kg mà chi phí giá thành để làm ra một kg cũng ở gần mức đó. Các nước nhập về chế biến thành bánh, kẹo bán ra khoảng 11-15 USD/kg. Như vậy, các nhà nhập khẩu sẽ được hưởng từ 4 - 6 USD/kg. Đồng thời, thế mạnh của họ là người mua có quyền ra giá còn chúng ta luôn ở thế yếu. Hiện tại, người bán hàng gần như phải chấp nhận các điều kiện thanh toán và giao nhận của người mua, một DN cho biết.

 

Giải pháp nào?

 

Nhiều DN cho rằng, số người tiêu dùng tại Châu Âu đòi hỏi chứng nhận xuất xứ cũng có nhưng không phải là phổ biến. Thực tế, cứ thấy điều đạt tiêu chuẩn về kích cỡ, màu sắc, độ ẩm là họ mua. Chính điều đó “tiếp tay” cho sự trà trộn điều VN và Châu Phi.

 

Dù vậy, lỗi không chỉ ở người tiêu dùng, vấn đề quan trọng chính là việc cấp C/O (nguồn gốc xuất xứ) tại VN còn khá đơn giản. Cứ xuất xứ từ VN là được cấp C/O, không có sự phân biệt, quy chuẩn rõ ràng và cũng không có ai thẩm định đâu là điều Châu Phi hay điều VN.

 

VN có hạt điều thơm ngon nhưng đáng tiếc là cả ngành điều VN lại không đẩy thương hiệu điều VN để tách khỏi điều Châu Phi. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài thì việc thương hiệu điều VN chỉ là câu chuyện thời gian.

Nguồn dddn.com.vn

  • Từ khóa