Thứ 6, 29/03/2024, 18:32[GMT+7]

Phát triển công thương ở xã biên giới biển

Thứ 2, 17/10/2022 | 08:56:42
5,742 lượt xem
Không có nhiều lợi thế nhưng xã Đông Trà (Tiền Hải) đã biết phát huy nội lực, tập trung đầu tư hạ tầng và huy động nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Sự phát triển ngành công thương đã mang lại nhiều khởi sắc cho xã biên giới biển này.

Cơ sở may Phương Nga, thôn Tân Hải, xã Đông Trà (Tiền Hải) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động.

Là xã giáp biển cuối cùng phía Đông Bắc của huyện Tiền Hải, Đông Trà còn bị chia cắt giao thông bởi con sông Trà Lý khiến địa phương gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế. Trước đây, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp với nghề cấy lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng, nâng cấp và nhất là cầu Trà Lý 2 trên tuyến đường bộ ven biển chạy qua địa bàn xã được đầu tư giúp cho giao thương của Đông Trà thuận lợi, mở cơ hội cho người dân, doanh nghiệp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Tới thăm cơ sở may Phương Nga ở thôn Tân Hải, chứng kiến hơn 20 lao động tập trung làm việc ai cũng cảm nhận được niềm vui của họ khi có việc làm thường xuyên và thu nhập bảo đảm cuộc sống. Nhiều lao động ở đây cho biết, có việc làm ở gần nhà không phải di chuyển xa vì thế có thêm thời gian chăm lo cho gia đình, con cái. Mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng cũng đủ trang trải cuộc sống nên họ toàn tâm trong công việc. 

Anh Nguyễn Văn Núi, chủ cơ sở may chia sẻ: Trước đây đường sá nhỏ hẹp, lầy lội, tính toán làm ăn cái gì cũng khó. Bây giờ giao thông đi lại thuận tiện, ô tô chạy đến tận cửa nhà, vận tải hàng hóa dễ dàng nên gia đình tôi đầu tư mở xưởng may làm gia công cho một số doanh nghiệp may xuất khẩu vừa nâng cao thu nhập cho bản thân vừa tạo việc làm cho bà con trong xã.

Ở Đông Trà, không riêng gia đình anh Núi, trong 5 năm trở lại đây, nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế, rất nhiều hộ dân đã đầu tư mở mang ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để làm giàu. 

Chị Vũ Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Cùng với tuyên truyền bà con trong xã duy trì, phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, chúng tôi còn tích cực vận động, hướng dẫn hội viên đưa thêm nghề mới như mây tre đan, móc sợi, thêu ren về địa phương. Đến nay chúng tôi đã thành lập được 1 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý, giá trị sản xuất đạt trên 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động, chủ yếu ở độ tuổi trung niên và cao tuổi với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng đứng ra tín chấp cho 128 hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 11 tỷ đồng giúp nhiều chị em đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả ngay tại địa phương.

Đưa chúng tôi đi một vòng tham quan hạ tầng giao thông và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, ông Đặng Xuân Tùng, cán bộ Văn phòng HĐND, UBND xã Đông Trà phấn khởi cho biết: Diện mạo địa phương khởi sắc từng ngày nhờ bà con khấm khá lên từ phát triển ngành công thương. Đến nay, cả xã có gần chục doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, vật liệu xây dựng, vận tải hàng hóa; hàng trăm cơ sở, hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động sản xuất phát triển mạnh kéo theo thương mại, dịch vụ gia tăng. Ngoài kinh doanh tại chỗ, tận dụng hạ tầng chợ dân sinh đã có hàng trăm tiểu thương đầu tư kinh doanh cũng mang lại thu nhập khá.

Sự phát triển mạnh ngành công thương giúp tỷ trọng các ngành kinh tế của Đông Trà chuyển dịch mạnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 36%, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm gần 40%, còn lại là giá trị thương mại, dịch vụ. Riêng giá trị ngành công thương của xã năm 2021 đạt hơn 475 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2020 và chiếm trên 65% tổng giá trị sản xuất toàn xã.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Trà cho biết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương bình quân đạt khoảng 17%/năm, chủ yếu từ khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Điều đáng mừng nhất là tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt trên 98%, thu nhập bình quân đầu người hiện tại ở mức 56 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,15%. Cùng với tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là khi tuyến đường bộ ven biển hoàn thành, khu công nghiệp Hải Long được đầu tư, thu hút các dự án thứ cấp vào hoạt động, chắc chắn lĩnh vực công thương nói riêng, kinh tế của Đông Trà nói chung sẽ còn tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa, góp phần hiện đại hóa nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.

Khắc Duẩn