Chủ nhật, 29/12/2024, 20:02[GMT+7]

Doanh nghiệp dệt may đối diện nhiều khó khăn

Thứ 2, 12/12/2022 | 08:22:58
7,179 lượt xem
Các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn từ sản xuất đến kinh doanh. Nếu không có giải pháp chủ động khắc phục từ sớm, từ xa, các DN sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023, ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của hàng vạn lao động.

Thông thường, dịp cuối năm, các DN dệt may phải tăng ca vì đơn hàng dồi dào và gấp rút sản xuất để đáp ứng thị trường năm mới. Thế nhưng, năm nay không những không tăng ca mà nhiều DN còn phải cho công nhân tan ca sớm từ 30 phút đến 1 tiếng. Thiếu việc làm đồng nghĩa với thu nhập của công nhân giảm. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu cuối năm tăng khiến họ trăn trở. Chị Bùi Thị Huyền, công nhân may đang làm việc trong khu công nghiệp Phúc Khánh cho biết: Cuối năm chúng tôi ai cũng mong được làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Năm nay đơn hàng ít, thu nhập giảm nên không cảm thấy háo hức khi năm hết, tết đến.

Thời điểm này, các DN dệt may đang hoàn thiện các đơn hàng của năm 2022 và bắt tay vào sản xuất hàng mùa hè và mùa đông năm 2023. Tuy nhiên, hầu hết các DN đang khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng cho năm tới. Vừa qua, tại hội nghị đại biểu người lao động năm 2023 của Công ty Tân Đệ - DN hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty thẳng thắn chia sẻ: Năm 2023, dự báo nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước châu Âu, Mỹ, Canada sẽ giảm do lạm phát tăng cao, ảnh hưởng từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina. Chính vì vậy, đơn hàng của DN may xuất khẩu có thể sẽ giảm đáng kể. Mặc dù đã nỗ lực đàm phán, ký kết với các đối tác lớn và uy tín lâu năm nhưng hiện nay Công ty Tân Đệ mới nhận được đơn hàng bảo đảm sản xuất đến hết tháng 6/2023.

Với những DN lớn đã khó khăn như vậy, các DN nhỏ và vừa càng khó khăn hơn trong việc tìm đơn hàng. Không riêng DN trong nước, ngay cả DN FDI cũng chung hoàn cảnh. Lãnh đạo Công ty TNHH PS Vina (khu công nghiệp Gia Lễ) cho biết: Bằng giờ mọi năm Công ty đã ký với các đối tác đơn hàng sản xuất bảo đảm đủ việc làm cho công nhân tới giữa năm sau; song năm nay Công ty mới nhận được nguồn hàng sản xuất đến hết tháng 2/2023.

Một khó khăn khác mà các DN dệt may cũng đang phải đối mặt đó là tình trạng thiếu nguyên phụ liệu. Vải, cúc, chỉ, kim, khóa... phục vụ ngành dệt may chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc (ước tính hơn 70%), Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và xuất khẩu nguyên phụ liệu của Trung Quốc bị đình trệ, sản lượng sụt giảm dẫn tới thiếu, chậm nguồn cung. Còn nguồn cung từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu vừa thiếu vừa giá cao nên DN dệt may khó có thể tiếp cận. Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty Tân Đệ cho biết: Trong bối cảnh nguồn cung nguyên phụ liệu khó khăn, nếu không chủ động được đơn hàng để có kế hoạch sớm đặt mua nguyên phụ liệu thì rất dễ xảy ra tình trạng DN phải dừng hoạt động vì không có nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Chưa hết, các DN dệt may còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí dịch vụ logistics quá cao, lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của DN đội lên 5 - 10%. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, cùng lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn dẫn tới sức cạnh tranh của DN, của sản phẩm trên thị trường bị ảnh hưởng, lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ nếu không quản lý, cân đối tốt. Hơn thế, các DN dệt may sử dụng nhiều lao động, nếu xảy ra khủng hoảng sẽ ảnh hưởng tới việc làm, cuộc sống của hàng vạn người.

Sản xuất tại Công ty Tân Đệ.

Ngành dệt may là thế mạnh của Thái Bình với khoảng 600 công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất và 160 DN may xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 1,2 - 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Việc gỡ khó cho các DN dệt may có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Để giải được bài toán khó hiện nay, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo các DN dệt may cần sớm sắp xếp, cơ cấu lại DN theo hướng tinh gọn, hiện đại. Đồng thời, các DN duy trì chặt chẽ quan hệ bạn hàng truyền thống, chủ động tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm đối tác mới nhằm gia tăng đơn hàng. Trên cơ sở kế hoạch sản xuất trung và dài hạn, DN nhanh chóng tìm nguồn cung và ký kết hợp đồng cung ứng nhằm bảo đảm có đủ nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh bị thiệt hại do biến động thị trường và bị ép giá. Theo bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương, một giải pháp cũng rất quan trọng đó là các DN dệt may cần nhận thức đúng, nghiên cứu và thực thi, tận dụng tối đa những cơ hội về mở cửa thị trường, ưu đãi thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, UKFTA, RCEP mang lại để tạo sức mạnh vượt qua thách thức, đưa DN phát triển, hội nhập.

Khắc Duẩn