Thứ 7, 04/05/2024, 03:41[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Doanh nghiệp dệt may trên đà hồi sinh

Thứ 7, 08/07/2023 | 10:39:07
3,049 lượt xem
Thời điểm này, trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn loay hoay tìm kiếm đơn hàng, thậm chí phải cắt giảm lao động thì tại Quỳnh Phụ, với sự chủ động trong tìm kiếm thị trường, hầu hết DN vẫn duy trì được đơn hàng, tạo việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ) và có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (cụm công nghiệp Đông Hải (Quỳnh Phụ) tăng 13-14% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng

Cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Công ty Cổ phần May HNF, xã An Tràng cũng như nhiều DN dệt may gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng. Để có đơn hàng, tạo việc làm cho NLĐ, ngoài việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng giảm từ 20 - 25% đơn giá ký, Công ty phải chuyển dịch mặt hàng sản xuất. 

Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: Những tháng đầu năm 2023, một số đơn hàng của Công ty giảm từ 50 - 60% so với mọi năm. Để giữ chân NLĐ, Công ty nhận thêm một số mặt hàng ngoài những mặt hàng truyền thống, đồng thời có chế độ hỗ trợ lương cho NLĐ. Đến nay, nhờ uy tín của Công ty, các khách hàng cũ đã tìm lại và  duy trì mặt hàng truyền thống là áo khoác xuất khẩu sang Mỹ và thị trường châu Âu. Hiện tại đơn hàng đã ký đến hết tháng 1/2024, NLĐ có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt trên 7 triệu đồng/tháng. 

Chị Nguyễn Thị Châm, Công ty Cổ phần ay HNF phấn khởi cho biết: Trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình lạm phát trên thế giới, DN vẫn tìm kiếm được đơn hàng, duy trì việc làm đều đặn cho NLĐ với mức thu nhập ổn định là sự cố gắng rất lớn. Đơn hàng đã có đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung làm việc, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm để DN giữ uy tín với khách hàng.

Với Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (cụm công nghiệp Đông Hải), 6 tháng đầu năm nay doanh thu của Công ty đạt trên 200 tỷ đồng, tăng 13 - 14% so với 6 tháng cuối năm 2022. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty khẳng định: Lãnh đạo Công ty nhận định thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là lĩnh vực dệt may còn gặp nhiều khó khăn sau một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, việc xuất khẩu và nhập khẩu khó khăn, do đó Công ty chủ động tìm kiếm thị trường mới và đã thành công, từ đó đẩy mạnh được hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Qua khảo sát từ Hội Doanh nghiệp huyện Quỳnh Phụ, đến nay các DN trên địa bàn huyện cơ bản đã ký được đơn hàng đến cuối năm để duy trì việc làm ổn định cho NLĐ. Trên đà phục hồi, nhiều DN tập trung mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Mở rộng sản xuất, kinh doanh

Tại Công ty Cổ phần May HNF, những ngày này, bộ phận tuyển dụng của Công ty luôn tất bật khi có nhiều lao động đến nộp hồ sơ. 

Bà Vũ Thị Vân Chi, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty cho biết: Để bảo đảm đơn hàng đã ký với số lượng lớn, ngoài 300 lao động hiện đang làm việc, Công ty mở rộng thêm nhà xưởng với diện tích khoảng 3.000m2 tại xã An Tràng và mở thêm cơ sở 2 tại xã An Thanh (Quỳnh Phụ), dự kiến đến ngày 15/7 sẽ đi vào hoạt động, do vậy Công ty cần tuyển thêm 200 lao động. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để NLĐ địa phương có cơ hội tìm kiếm việc làm. 

Chị Đỗ Thị Thanh, quê xã An Khê vừa tốt nghiệp Khoa Công nghệ may, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội khi biết thông tin Công ty Cổ phần May HNF tuyển dụng lao động đã đến nộp hồ sơ. Chị Thanh tâm sự: Hiện nay ngành dệt may đang gặp khó khăn, nhiều DN cắt giảm lao động nên tìm việc rất khó. Qua bạn bè giới thiệu và tìm hiểu các chế độ, chính sách của DN đối với NLĐ, tôi thấy ngoài mức lương, các chế độ đãi ngộ của Công ty phù hợp nên đã nộp hồ sơ, mong muốn sớm được đi làm để phát huy khả năng của mình.

Công ty Cổ phần May HNF, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) đã ký đơn hàng với các đối tác đến hết tháng 1/2024.

Tại Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor, nhà máy 2 của Công ty đang trong giai đoạn hoàn thiện máy móc với công suất gấp 1,5 lần nhà máy 1, sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 7 năm nay. Thời điểm này, khi đơn hàng đã ký đến cuối năm, lãnh đạo Công ty đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp và tập trung cho công tác tuyển dụng nhân sự. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty, thời gian tới Công ty sẽ tập trung tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề để mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chủ động trong chiến lược kinh doanh để đẩy mạnh thị trường hiện có và tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới, qua đó nâng cao doanh thu cho DN và bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ. 

Anh Nguyễn Văn Tưởng, công nhân Công ty tâm sự: Trong giai đoạn khó khăn song DN luôn có chiến lược kinh doanh hợp lý, nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để duy trì việc làm ổn định cho NLĐ. Để giữ uy tín với khách hàng, mỗi NLĐ chúng tôi không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để đưa Công ty ngày một lớn mạnh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có khoảng 180 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, trong đó khoảng 120 DN, cơ sở có từ 50 lao động trở lên. Mặc dù các DN đang có dấu hiệu hồi sinh song thời gian tới cũng rất cần những giải pháp mang tính bền vững để thúc đẩy thương mại, xuất khẩu; có chiến lược kinh doanh hợp lý để tiếp tục ký kết được nhiều đơn hàng, phấn đấu đạt doanh thu cao, tạo việc làm ổn định cho NLĐ, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Công ty Cổ phần May HNF, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) bảo đảm đơn hàng cho người lao động đến tháng 1/2024.

Nguyễn Cường