Chủ nhật, 22/12/2024, 19:39[GMT+7]

Công nghiệp chế biến là động lực chính cho xuất khẩu

Thứ 4, 03/07/2013 | 08:19:31
815 lượt xem
“Sau sáu tháng đầu năm, nếu như các ngành thuộc các nhóm ‘đại gia’ xuất khẩu như nông lâm thủy sản, nhiên liệu – khoáng sản liên tục suy giảm thì nhóm ngành công nghiệp chế biến chính là động lực chính cho xuất khẩu”.

Mặt hàng giày dép là một trong những điểm sáng trong xuất khẩu sáu tháng đầu năm.

Chia sẻ về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2013, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết thêm: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2013 ước đạt 62 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ, bằng 49% kế hoạch năm. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu bình quân trong sáu tháng đầu năm ước đạt 10,33 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân sáu tháng năm 2012 là 1,4 tỷ USD/tháng.

 

Xét về nhóm hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nông sản, thủy sản trong sáu tháng ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt hơn 5 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Nguyên nhân chính khiến hai nhóm hàng này sụt giảm kim ngạch xuất khẩu là do giá xuất khẩu hai nhóm hàng này giảm, từ đầu năm đến nay, giá đã giảm 15 – 25% cho từng mặt hàng khác nhau. Dù lượng xuất khẩu của một số mặt hàng như gạo, cao su, cà phê tăng cao nhưng do giá giảm đã khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm, ông Chinh lý giải.

 

Trong khi hai nhóm hàng trên có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến lại có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung với 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ. Đây tiếp tục là nhóm hàng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, trong đó nhóm các sản phẩm sản xuất từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Nếu tính giá trị tuyệt đối, xuất khẩu sáu tháng tăng so với cùng kỳ 8,6 tỷ USD thì riêng nhóm hàng này đã đóng góp đến 6,3 tỷ USD vào sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến, nhóm hàng này sẽ gia tăng xuất khẩu mạnh hơn nữa từ nay đến cuối năm.

 

Bên cạnh đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn như dệt may, giày dép cũng có mức tăng trưởng cao, tương ứng là 17% và 16%. Điều này cho thấy các ngành này đã khẳng định được vị thế của mình, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới bởi dù trong bối cảnh những thị trường xuất khẩu chính gặp nhiều khó khăn nhưng các DN của ngành vẫn có đủ đơn hàng, sản xuất ổn định. Ông Lê Tiến Trường – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Với lượng đơn hàng từ nay đến cuối năm, doanh số của Vinatex năm 2013 có thể đạt mức 20 tỷ USD thay vì 19,5 tỷ USD như dự kiến từ đầu năm.

 

Nỗ lực cho mục tiêu cuối năm

 

Do theo quy luật, sáu tháng cuối năm là thời gian tăng trưởng xuất khẩu nhiều hơn sáu tháng đầu năm từ 15 – 25%, cho nên, Bộ Công Thương khẳng định, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 126,1 tỷ USD cho năm nay có khả năng đạt được, thậm chí, có thể kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt mức 127 – 128 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Chinh cũng phân tích: Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10,33 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng phải đạt 11 tỷ USD, cao hơn những tháng đầu năm 700 triệu USD. Nếu giá xuất khẩu không giảm và DN nỗ lực hết mình mới có thể đạt được con số này.

 

Bên cạnh đó, DN cũng cần chủ động với những quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7. Cụ thể, bắt đầu từ tháng 7, tại các cảng đã áp dụng biện pháp hạ tải ngay trong cảng, theo đó, các xe ra khỏi cảng nếu quá tải, kể cả xe chở nguyên nhiên vật liệu đều phải hạ tải. Điều này không chỉ gây ùn tắc tại cảng mà còn ảnh hưởng đến chi phí cho DN do DN phải thuê hạ tải, thuê thêm xe để chở hàng ra ngoài. “Chính vì thế, DN cần có giải pháp phù hợp ngay từ khi DN nước ngoài gửi hàng về để giảm bớt chi phí này, thí dụ, trừ những mặt hàng tiêu dùng, mặt hàng chuyên dùng không thể đóng thấp hơn, DN có thể yêu cầu mỗi container chỉ đóng khoảng 20 tấn để giảm tải, từ đó giảm chi phí”, ông Chinh cho biết.

 

Về phía DN, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Trần Văn Thịnh - Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề nghị: Luật quản lý thuế mới vừa có hiệu lực từ 1-7 yêu cầu DN phải nộp thuế trước rồi kiểm tra hàng hóa. Điều này sẽ làm chi phí của Tập đoàn tăng xấp xỉ 12%. Trong khi đó, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh đặc thù, theo giá tạm tính, có hao hụt tự nhiên nên việc nộp thuế nhập khẩu trước thông quan rất khó khăn, vì thế, ông đề nghị, đưa hoạt động nhập khẩu xăng dầu vào luồng xanh, cho thông quan trước, xin nộp thuế sau từ một đến hai ngày.

 

Theo Bộ Công Thương, sáu tháng đầu năm, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 63,4 tỷ USD, do đó nhập siêu sáu tháng ước khoảng 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, nhập khẩu những tháng cuối năm sẽ nhiều hơn nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, dự kiến cả năm nhập khẩu ở mức 136 tỷ USD và nhập siêu trong năm 2013 khoảng 9 tỷ USD, bằng 7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (8%).

Nguồn nhandan.com

  • Từ khóa