Chủ nhật, 22/12/2024, 19:01[GMT+7]

Sản xuất công nghiệp chuyển biến chậm

Thứ 3, 06/08/2013 | 16:00:09
1,614 lượt xem
Mặc dù tăng trưởng SXCN đã khởi sắc khi trong tháng 7, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 7%, nâng mức tăng trưởng 7 tháng đạt 5,2%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả nước chuyển biến chậm.

Ảnh minh họa

Mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đạt 4,9%; 6 tháng đạt 5,0% và 7 tháng chỉ đạt 5,2%, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

 

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành, tính đến ngày 29/7, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 74,805 tỷ kWh, tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây trong khi mọi năm đều tăng bình quân 10- 15%.

 

Đại diện ngành Thép cho biết hầu hết các nhà máy thép đều tổ chức khuyến mãi và tăng chiết khấu bán hàng cho khách, giảm giá theo lô, theo công trình và hỗ trợ giá vận chuyển để kích cầu, song đầu ra chính của ngành Thép vẫn khó khăn.

 

Bên cạnh đó, thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vào nước ta vẫn tiếp tục gia tăng, thị trường xuất hiện hiện tượng bán phá giá để chiếm lĩnh thị phần và cạnh tranh lẫn nhau, do vậy sản lượng sắt thép thô tháng 7 ước đạt 226.700 tấn tăng 14,9%; tính chung 7 tháng  đạt 1,55 triệu tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ.

 

Tương tự, đại diện ngành phân bón và hoá chất cho biết tiêu thụ  phân bón trong nước không tăng, một phần do một số địa phương mùa vụ đã qua, bên cạnh đó giá các loại phân bón liên tục điều chỉnh, nguồn cung dồi dào nên các đại lý không gom hàng.

 

 Tuy nhiên trên thực tế cung đã vượt cầu nên các doanh nghiệp trong ngành kiến nghị cơ quan chức năng cần có chính sách hạn chế nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được (như phân bón, săm lốp ô tô, xe máy) để thúc đẩy sản xuất trong nước.

 

Mặc dù chia sẻ những áp lực sau các đợt tăng giá điện và xăng khiến hoạt động sản của nhiều doanh nghiệp thêm khó khăn, nhưng một Phó Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang dẫn thí dụ: Giá niêm yết đạm Cà Mau là 8.000 đồng/kg nhưng khi đến các đại lý bán lẻ, giá lên tới 12.000 đ/kg. Từ đó, ông đề nghị Bộ Công Thương cần tham mưu việc cân đối lộ trình tăng giá phù hợp để các doanh nghiệp và bà con nông dân bớt khó khăn, vì thực tế giá bán nông sản không tăng trong khi các loại vật tư phục vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ hải sản đều tăng cao

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, tiếp tục triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ xuyên suốt của Bộ. Trong các tháng còn lại của năm 2013, Bộ Công Thương sẽ linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, thực hiện đưa hàng hóa về nông thôn. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ rà soát, điều chỉnh chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với thực tế.

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa