Thứ 2, 23/12/2024, 10:09[GMT+7]

Thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình Phát triển nghề và làng nghề ở thị trấn Hưng Nhân

Thứ 3, 14/09/2010 | 09:45:15
2,950 lượt xem
Thị trấn Hưng Nhân là trung tâm kinh tế - xã hội phía tây bắc của huyện Hưng Hà. Diện tích đất tự nhiên có 864 ha, trong đó đất nông nghiệp 430 ha, với 16 thôn làng, khu phố và nhiều cơ quan, doanh nghiệp của huyện, tỉnh đóng trên địa bàn.

Phụ nữ Hưng Nhân - Hưng Hà với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống . Ảnh: Ngọc Trâm

Mặc dù mới được thành lập cách đây hơn 5 năm, nhưng Thị trấn trẻ này đã từng mang trên mình bao dấu ấn lịch sử, với thời vàng son của phủ lỵ xưa kia luôn nhộn nhịp, phát triển mạnh về mọi mặt. Trong đó, phải kể đến sự kế thừa, phát triển của các nghề truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác để giờ đây Hưng Nhân trở thành một trong hai xã, thị trấn nghề đầu tiên trong huyện được UBND tỉnh công nhận.

Thị trấn Hưng Nhân vốn có nhiều nghề truyền thống từ nhiều đời nay để lại, như: vê đay, dệt chiếu cói, dệt khăn vải sợi, chế biến nông sản thực phẩm...Song, trước đây các nghề này chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp, không tạo ra sản phẩm hàng hóa, nên thu nhập đem lại từ nghề rất thấp. Trải qua một thời gian dài với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, một số ngành nghề kìm hãm không phát triển được, có nghề mai một tưởng chừng như mất hẳn.

Trong khi đó, nơi đây đất chật, người đông, đồng ruộng ít, sản xuất nông nghiệp không phải là thế mạnh của người dân, do đó lao động trong nông thôn dư thừa nhiều, việc làm không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn vướng mắc trên chỉ được giải quyết khi cơ chế thị  trường được mở ra, các nghề và làng nghề dần khôi phục, phát triển. Nắm bắt cơ hội này, Hưng Nhân đã nhanh chóng triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIII về 4 mũi nhọn đột phá tăng trưởng kinh tế; trong đó trọng tâm là phát triển nghề và làng nghề.

Thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của phát triển nghề và làng nghề của chính địa phương mình... Để các nghề phù hợp với từng thôn làng, cơ sở sản xuất, Thị trấn đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các ngành liên quan triển khai tổ chức thực hiện xuống từng cơ sở. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, máy móc, công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh cải tiến mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu mang tính đặc trưng của các làng nghề.

Bên cạnh đó, Thị trấn đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn thông qua các ngân hàng, quỹ tín dụng để phát triển nghề truyền thống, du nhập thêm  nghề mới...

Những động thái tích cực trên đã thực sự thúc đẩy nghề và làng nghề ở Hưng Nhân  không ngừng phát triển; từ sản xuất manh mún, phân tán, chuyển sang sản xuất theo tổ hợp, hợp tác liên doanh, góp phần tạo dựng thành công thị trấn nghề sầm uất, sôi động như ngày nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với nghị quyết chuyên đề về phát triển CN – TTCN, coi phát triển nghề là nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hưng Nhân đã nhanh chóng trở thành hiện thực cuộc sống, đem lại thu nhập cao cho đại bộ phận người dân trong thị trấn.

Từ một vài làng nghề truyền thống, Hưng Nhân đã dần phát triển thêm nhiều làng nghề khác trên địa bàn. Tính đến năm 2007, Hưng Nhân đã có 12 làng nghề được công nhận; và đến năm 2008 được UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận thị trấn nghề. Từ đó đến nay nghề và làng nghề ở đây phát triển không ngừng, luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Nếu như năm 2005, giá trị sản xuất CN - TTCN mới chiếm 38,2% thì đến năm 2010 đã chiếm trên 54% cơ cấu kinh tế.

Nét riêng nghề và làng nghề ở đây là không thiên về một nghề nào, mà phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề, từ dệt chiếu, dệt khăn đến làm bún bánh, đan mành...; nên đã thu hút được các thành phần lao động tham gia, kể cả người già và trẻ em. Tính chung các làng nghề của Hưng Nhân đã giải quyết  việc làm cho gần 80% số lao động trên địa bàn Thị trấn với mức thu nhập bình quân đạt 1,3 - 1,5 triệu đồng/ người/ tháng.

Điều đáng ghi nhận là các làng nghề đều tập trung đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại thay cho sản xuất thủ công trước kia nên năng suất và giá trị thành phẩm ngày càng tăng cao. Hiện nay, Hưng Nhân có gần 300 máy dệt, 30 máy khăn, trên 1.000 khung dệt chiếu, trên 20 máy dệt chiếu... Sôi động nhất có thể kể đến làng nghề dệt khăn vải sợi Tiền Phong bởi sự bận rộn quanh năm  của mỗi hộ với những tiếng lách cách rộn ràng từ khung dệt đôi khi suốt đêm...

Hay các làng nghề dệt chiếu với kỹ thuật riêng có và mẫu mã đa dạng, phong phú mà rất nhiều nơi chưa áp dụng được “bí quyết” này; do đó, sản phẩm  chiếu Hưng Nhân được tiêu thụ ở khắp thị trường trong và ngoài tỉnh.... 

Nỗ lực mang lại những kết quả khả quan là vậy, song so với tiềm năng thế mạnh sẵn có thì Thị trấn trẻ này vẫn chưa phát triển tương xứng, chưa có bước đột phá mới. Các nghề và làng nghề chủ yếu vẫn nằm trong khu dân cư, chưa khuyến khích thành lập được nhiều doanh nghiệp để đưa nghề tập trung vào các cụm, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư vốn còn hạn chế,  môi trường trong các làng nghề cũng chưa được xử lý tốt...

Chính vì vậy, để nghề và làng nghề ở Hưng Nhân phát triển mạnh, bền vững hơn, nguyện vọng của những người dân nơi đây mong Nhà nước thường xuyên có những cơ chế chính sách phù hợp trong từng giai đoạn; ưu tiên giành thêm nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp phục vụ sản xuất trong các làng nghề đã được công nhận; quy hoạch cho làng nghề Tiền Phong ra khỏi khu dân cư...

Bình Minh
 

 

  • Từ khóa