Chủ nhật, 19/05/2024, 16:15[GMT+7]

Hướng đi nào cho ngành dệt may phát triển

Thứ 3, 07/05/2024 | 10:22:58
1,771 lượt xem
Những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định nhờ đơn hàng sản xuất dồi dào. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và biên lợi nhuận chưa đạt như kỳ vọng đặt các doanh nghiệp đứng trước không ít thách thức. Hướng đi nào cho ngành dệt may phát triển là câu hỏi, trăn trở của nhiều doanh nghiệp.

Sản xuất tại Công ty TNHH May Hualida (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình).

Đơn hàng dồi dào...

So với năm 2023, 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp ngành hàng may mặc cảm thấy “dễ thở” hơn bởi không phải “ăn đong” về đơn hàng sản xuất và lo việc làm cho người lao động. Công nhân phấn khởi vì được làm thêm giờ và tăng thu nhập. 

Chị Giang Thúy Hồng, công nhân Công ty Tân Đệ (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) cho biết: Bằng giờ năm ngoái, chúng tôi chỉ đủ hàng làm 7 giờ/ngày, không được làm thêm giờ nên thu nhập giảm, cuộc sống gặp khó khăn. Chúng tôi rất mừng là từ đầu năm đến nay, Công ty không chỉ bảo đảm việc làm 8 giờ/ngày mà còn tổ chức cho anh chị em công nhân làm tăng ca thêm giờ. Có nhiều việc làm và thu nhập nâng lên, ai cũng phấn khởi.

Nói về tình hình lao động việc làm, ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty Tân Đệ cho biết: Các thị trường xuất khẩu đang phục hồi nhanh và nhờ nỗ lực đàm phán, xúc tiến thương mại của ban lãnh đạo Công ty nên ngay từ đầu năm, Tân Đệ đã ký được nhiều đơn hàng sản xuất với số lượng lớn đủ việc làm cho hơn 16.000 lao động. Hiện các đơn hàng sản xuất của Công ty đã ký bảo đảm cho công nhân làm 10 giờ/ngày đến hết tháng 9 năm nay. Số lượng và sản lượng đơn hàng sẽ còn tiếp tục tăng, để đáp ứng tiến độ Công ty đang tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực và đầu tư thêm nhiều máy móc, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất từ nay đến cuối năm.

Không riêng Công ty Tân Đệ, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhờ có đơn hàng sản xuất dồi dào. 

Ông Bùi Đức Đảng, Giám đốc Công ty Cổ phần May Đại Đồng (xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng) cho biết: Bất ổn chính trị ở Myanmar và tình trạng công nhân đình công đòi tăng lương ở Bangladesh là nguyên nhân dẫn đến một lượng lớn đơn hàng dệt may chuyển sang Việt Nam trong những tháng đầu năm nay. Mỹ là thị trường lớn đang quay trở lại mang tới đơn hàng dồi dào cho các doanh nghiệp dệt may, ngoài ra các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang phục hồi. Hiện tại, chúng tôi đã ký đơn hàng sản xuất với các đối tác Hàn Quốc và liên kết sản xuất, xuất khẩu vào thị trường Canada duy trì việc làm và làm thêm giờ cho 800 lao động đến hết năm 2024.

…Nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm

Có một nghịch lý khiến các doanh nghiệp dệt may chịu nhiều áp lực đó là đơn hàng sản xuất dồi dào, sản lượng hàng hóa lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu chẳng những không tăng mà còn giảm so với cùng kỳ năm 2023. Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), tổng kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc quý I/2024 đạt 290,5 triệu USD, chiếm 47,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về thực trạng này, ông Bùi Đức Đảng, Giám đốc Công ty Cổ phần May Đại Đồng cho biết: Sự dịch chuyển đơn hàng của các nhà nhập khẩu Mỹ và châu Âu từ Myanmar và Bangladesh sang Việt Nam vốn là các đơn hàng dễ tính, không đòi hỏi khắt khe về chất lượng, đơn giá rẻ nên dù doanh nghiệp ký được sản lượng sản xuất lớn nhưng giá trị và lợi nhuận của các đơn hàng không cao. Trong bối cảnh vừa trải qua một năm chật vật tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận ký kết để làm.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngành hàng may mặc, giá các đơn hàng sản xuất không cao chủ yếu là do tình hình bất ổn an ninh chính trị xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới dẫn tới thời gian giao hàng kéo dài, giá dịch vụ logistics tăng, các nhà nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp sản xuất cùng chia sẻ khó khăn. Thực tế là thị trường dệt may những tháng đầu năm nay mới chỉ phục hồi về số lượng đơn hàng chứ chưa phục hồi về đơn giá.

Rủi ro và thách thức

Hiệp hội Dệt may Việt Nam và bản thân các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thừa nhận, ngành hàng dệt may đang đứng trước nhiều rủi ro và thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Bất ổn an ninh chính trị diễn biến phức tạp trên thế giới có thể khiến các nhà nhập khẩu hủy đơn hàng bất cứ lúc nào. Phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất ngành may là nhập khẩu, doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào thị trường và biến động tỷ giá của đồng USD kéo theo chi phí sản xuất tăng cao. Doanh nghiệp dệt may chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, yếu về quản lý, quản trị, marketing, thiếu sức cạnh tranh và chống chịu với biến động thị trường.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: Các doanh nghiệp may mặc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực do có sự chuyển dịch lao động giữa các ngành nghề và thị trường xuất khẩu lao động đang phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19. Thách thức lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp phải bắt kịp với xu hướng chuyển từ tiêu dùng nhanh sang tiêu dùng bền vững, tuần hoàn ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Anh, Canada và thị trường Đông Bắc Á để thích ứng trong sản xuất, nếu không sẽ bị loại khỏi sân chơi toàn cầu.

Hành động của doanh nghiệp

Duy trì sự gắn kết với các bạn hàng, thị trường truyền thống là yếu tố quan trọng, song các doanh nghiệp cũng không thể “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” để tránh gặp rủi ro khi đối tác đột ngột hủy đơn hàng do thị trường có biến động là khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế. Các doanh nghiệp dệt may nên chủ động tận dụng các hiệp định thương mại tự do - FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước đối tác để xúc tiến phát triển mở rộng, đa dạng thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đều đẩy nhanh việc tái cấu trúc doanh nghiệp, tổ chức và sắp xếp lại mô hình sản xuất nhằm tối ưu hiệu quả, tiết giảm chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất để thích ứng với thực trạng chi phí đầu vào tăng, giá đơn hàng giảm. 

Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty Tân Đệ cho biết: Chúng tôi đang tập trung đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, đồng thời phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tạo ra năng suất, chất lượng cao. Tân Đệ cũng tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho việc đổi mới máy móc, công nghệ, nâng cao tỷ lệ tự động hóa để giải quyết bài toán nguồn nhân lực và yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe của đối tác, bạn hàng.

Phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu nên mỗi doanh nghiệp dệt may cũng phải nhanh chóng bắt nhịp thích ứng. Theo đó, các doanh nghiệp cần có lộ trình đầu tư, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu xanh như điện mặt trời, điện gió, vải, sợi có nguồn gốc tự nhiên, tái chế thuận lợi và có khả năng phân hủy nhanh. Máy móc, công nghệ sản xuất phải hiện đại cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao, có tính năng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cacbon ra môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đặt ra.

Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may 4 tháng đầu năm nay đang đạt mức tăng trưởng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp dệt may vẫn đang tiếp đà tăng trong những tháng cuối năm, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho hàng trăm nghìn người lao động. Việc các doanh nghiệp dệt may nhanh chóng thích ứng với tình hình mới không chỉ nới rộng biên lợi nhuận, mang lại cơ hội phát triển mà còn góp phần thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong năm 2024.

Nâng cao tay nghề và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật là giải pháp Công ty Tân Đệ tập trung triển khai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Khắc Duẩn