Chủ nhật, 22/12/2024, 14:02[GMT+7]

Doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn Thành công nhờ có lối đi riêng

Thứ 3, 10/09/2013 | 09:41:08
1,100 lượt xem
Doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn (Thành phố Thái Bình) chỉ là một trong rất nhiều cơ sở sản xuất mặt hàng cơ khí trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã biết chọn cho mình lối đi riêng đó là sản xuất các loại máy chế biến song, mây, tre, nứa chủ yếu phục vụ ngành hàng thủ công mỹ nghệ đan mây tre xuất khẩu. Nhờ vậy sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Xưởng chế tạo máy của Doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Minh Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn cho biết: Bản thân ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề cơ khí. Ngay từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với bễ rèn, lò than, dao búa và lòng yêu nghề, gắn bó với nghề cũng “bám chặt” theo ông từ đó. Lúc đầu, xưởng rèn của gia đình chủ yếu chế tác và cung cấp các công cụ thủ công phục vụ nghề đan mây tre như dao chẻ nguyên liệu, kéo...

Chính trong quá trình làm, được đến với nhiều làng nghề đan mây tre trên địa bàn tỉnh ông đã nhận ra rằng, các làng nghề tuy phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động nhưng hầu hết vẫn làm thủ công, năng suất lao động thấp, mẫu mã sản phẩm không đa dạng. Vì thế ông đã để tâm tìm hiểu về thị trường chế tạo máy chế biến mây tre và thấy đây là thị trường đầy tiềm năng, lâu nay vốn chủ yếu sử dụng máy do Trung Quốc sản xuất, nhiều năm liền không thay đổi mẫu mã, tính năng đơn điệu, không phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các làng nghề đan mây tre xuất khẩu ở tỉnh ta.

Từ đó ông tập trung nghiên cứu quy trình, mẫu mã sản phẩm để từng bước “Việt hóa” chúng. Từ năm 1996, xưởng cơ khí Tú Tuấn đã cho ra những sản phẩm đầu tiên và được thị trường chấp nhận do tính năng vượt trội hơn hẳn loại máy nhập khẩu từ Trung Quốc. Do có lợi thế là vừa trực tiếp sản xuất, vừa đến tận nơi mua để giao hàng và tìm hiểu quá trình sử dụng nên ông đã phát hiện ra những điểm bất hợp lý của máy để chỉnh sửa, cải tiến cho phù hợp nhất với thực tế sử dụng, đem đến sự hài lòng cho các khách hàng.

Cùng với việc không ngừng cải tiến mẫu mã và công năng của sản phẩm, theo ông Tuấn để được thị trường chấp nhận sản phẩm cần phải có độ chuẩn xác cao. Do vậy ông đã tự học hỏi, nghiên cứu ứng dụng các phần mềm chuyên dụng để thiết kế bản vẽ kỹ thuật hoàn toàn trên máy vi tính bảo đảm độ chính xác cao.

Đồng thời đầu tư hiện đại hóa hệ thống máy móc thiết bị chế tạo, mạnh dạn tự động hóa một số khâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay Doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để trang bị thêm các loại máy móc thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra còn đầu tư các phương tiện vận tải bảo đảm vận chuyển hàng nhanh chóng, thuận tiện, lắp đặt và chuyển giao công nghệ cho khách hàng. Nếu khách hàng có yêu cầu, doanh nghiệp sẵn sàng bố trí kỹ thuật viên ở lại để hướng dẫn quá trình vận hành và sử dụng máy.

Tiếng lành đồn xa, mưa dầm thấm lâu, sản phẩm của Doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, không chỉ cung cấp sản phẩm cho các làng nghề mà còn nhận lắp đặt dây chuyền đồng bộ cho các nhà xưởng, doanh nghiệp mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực đan mây tre xuất khẩu, làm chân hương, tăm tre, đũa tre...

Hiện tại, Doanh nghiệp đang sản xuất và cung cấp gần 70 loại máy chuyên dụng khác nhau phục vụ ngành hàng chế biến song, mây, tre, nứa như: máy chẻ song và mây, máy đánh bóng đơn và đôi, máy chẻ lát phẳng và lát nghiêng, máy lột cật tre nứa, máy chẻ chân hương, máy chẻ tăm tròn, máy tiện đĩa, máy định hình tre nứa... Ngoài thị trường chính trong nước, sản phẩm của Doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn đã có mặt tại thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ...

Nhờ coi trọng chất lượng, giữ chữ tín với khách hàng nên Doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn ngày càng khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp cơ khí Tú Tuấn vẫn rất ổn định, tạo việc làm cho 42 - 60 lao động với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại nhu cầu về các loại máy chế biến song, mây, tre, nứa vẫn rất lớn bởi tỷ lệ cơ giới hóa ở lĩnh vực này còn khá thấp (nếu áp dụng đồng bộ máy móc thiết bị, tỷ lệ cơ giới hóa trong lĩnh vực này có thể chiếm tới 70% các công đoạn sản xuất) vì vậy thời gian tới Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, giữ vững thị trường trong nước và hướng đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa