Thứ 3, 23/07/2024, 13:24[GMT+7]

Thái thụy. Cơ sở thêu ren tạo việc làm cho nhiều lao động.

Thứ 5, 16/09/2010 | 08:14:04
2,580 lượt xem
Từ khi thực hiện Nghị quyết 01 của BTV Tỉnh uỷ về phát triển nghề và làng nghề thì cơ cấu kinh tế ở Thụỵ Dân có nhiều thay đổi. Ngành nghề dịch vụ phát triển đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần.

Thêu hàng xuất khẩu

Thụy Dân là xã nội đồng xa trung tâm huyện Thái Thụy. Những năm trước đây nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, chủ yếu là duy trì nghề rèn truyền thống.

 

Song từ khi thực hiện Nghị quyết 01 của BTV Tỉnh uỷ về phát triển nghề và làng nghề thì cơ cấu kinh tế ở Thụỵ Dân có nhiều thay đổi. Ngành nghề dịch vụ phát triển đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần.

 

Góp phần vào thành tích đó có nhiều hội viên nông dân tiêu biểu đã năng động trong học hỏi, tìm tòi đưa nghề mới về tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Hiệu quả nhất phải kể đến cơ sở sản xuất hàng thêu ren xuất khẩu do chị Phạm Thị Huế - hội viên nông dân thôn An Dân xã Thụy Dân làm chủ. 

 

Với quyết tâm nỗ lực của bản thân và được sự động viên ủng hộ, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền, hội Nông dân xã về hành lang pháp lý, tổ chức mở lớp dạy nghề và giúp vay vốn ưu đãi..., năm 2002 chị Huế thành lập cơ sở sản xuất hàng thêu ren xuất khẩu. Buổi đầu thành lập, cơ sở gặp không ít khó khăn.

 

Một mặt chị nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, một mặt nhận hàng thêu gia công của Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Âu thông qua các chủ hàng tại Minh Lãng (Vũ Thư) và Thành phố Thái Bình. Khi ấy lao động chỉ có 45 người, phần đông là nữ chủ yếu là người thân, con em gia đình hội viên nông dân trong xã và một số xã lân cận.

 

Sau một thời gian lao động, thấy việc làm hiệu quả, có thu nhập khá, số chị em đến xin học nghề và nhận hàng về làm tranh thủ những lúc nông nhàn ngày càng tăng. Đến nay, cơ sở của chị Huế đã có trên 200 lao động và địa bàn mở rộng sang huyện cả  Quỳnh Phụ và Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Từ năm đầu mới chỉ làm được 950 sản phẩm chủ yếu là hàng thô, kỹ thuật đơn giản, ngày công thấp.

 

Đến nay cơ sở đã sản xuất trên 3000 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm kỹ thuật cao. Bình quân mỗi lao động gia công được 5 sản phẩm/tháng, thu nhập đạt khoảng 600 ngàn đồng. Để nâng cao tay nghề cho chị em, chị Huế chủ động mời cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn, từ đó chị em có thể làm các mặt hàng yêu cầu kỹ thuật cao, nâng thu nhập gấp 1,5 đến 2 lần. Hiện số lao động có tay nghề cao ở cơ sở thêu của chị Huế chiếm 70%.

 

Để duy trì cơ sở, chị Huế đã phải vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất như ảnh hưởng của thị trường, giá cả biến động tác động xấu đến tư tưởng và thu nhập của người lao động. Lao động thường chỉ làm theo mùa vụ những khi nông nhàn, ảnh hưởng đến năng suất thời gian. Số hàng ký được với đối tác không ổn định, khi là mặt hàng dễ, hàng khó, hàng kỹ thuật cao nên việc làm có sự biến động. Mặt hàng ngày càng khan hiếm và đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng cao trong khi lãi suất tín dụng ngân hàng tăng v.v..

 

Song từ hiệu quả sản xuất, chị đúc kết và thực hiện kinh nghiệm như phải tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của địa phương và các hội đoàn thể; kiên trì và quyết tâm khắc phục khó khăn; nắm thời cơ, nhu cầu của thị trường, nhanh nhậy tiếp cận với các cơ sở cùng hợp tác; coi trọng chất lượng sản phẩm tạo uy tín lâu dài...

 

Là hội viên nông dân, chị Huế thường xuyên tham gia sinh hoạt tại chi hội, tích cực thực hiện các phong trào thi đua do Hội phát động. Đồng thời tích cực tham gia hỗ trợ các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao của thôn và các hoạt động trong phong trào xây dựng làng văn hoá. Đã nhiều năm liền chị Huế được bình xét là hội viên nông dân tiêu biểu, được Hội Nông dân tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Gia đình chị nhiều năm liên tục đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hoá.

                         Hà Anh

  • Từ khóa