Thứ 2, 23/12/2024, 09:15[GMT+7]

An Ninh - Quỳnh Phụ - Thái Bình Tìm hướng đột phá từ thương mại - dịch vụ

Thứ 5, 16/09/2010 | 10:22:03
2,170 lượt xem
Thời gian qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã An Ninh (Quỳnh Phụ - Thái Bình) tập trung chỉ đạo phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, một số lĩnh vực trong nông nghiệp đã gần chạm ngưỡng kịch trần, rất khó tạo ra sự đột phá về tăng trưởng. Chính vì vậy, việc phát triển các ngành phi nông nghiệp, đặc biệt là Thương mại - Dịch vụ (TM- DV) được coi là sự lựa chọn phù hợp nhất.

Toàn xã hiện có 630 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán; trong đó riêng khu vực chợ Lầy đang thu hút khoảng 140 hộ.

 Việc mở rộng ngành nghề kinh doanh vừa nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, vừa là giải pháp quan trọng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Nếu so với các xã khác ở Quỳnh Phụ thì An Ninh có khá nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển lĩnh vực TM- DV như: Có hệ thống giao thông đường tỉnh, huyện chạy qua, lại nằm cách tuyến Quốc lộ 10 chưa đầy 3 km nên rất thuận tiện cho việc giao thương trao đổi hàng hoá; nằm tiếp giáp với gần 3km sông Hoá- thuộc loại lớn nhất huyện, rất thuận tiện cho việc vận chuyển và tập kết hàng hoá, nhất là các mặt hàng VLXD; có chợ Lầy nổi tiếng và thuộc loại lớn nhất vùng, chợ họp hàng ngày, mỗi tháng có 12 phiên...

Phát huy lợi thế sẵn có, cấp uỷ, chính quyền xã xác định coi phát triển TM- DV là ưu tiên hàng đầu và là một trong những nhiệm vụ KT- XH trọng tâm của địa phương. Hiện tại, xã đã hoàn thành quy hoạch tổng thể khu trung tâm văn hoá- thể thao- thương mại với từng phân khu chức năng nhằm tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư. Tập trung tối đa mọi nguồn lực, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân trong việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc mở rộng thị trường kinh doanh, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ.

Tổng kinh phí mà An Ninh đã đầu tư cho xây dựng cơ bản từ năm 2005 đến nay lến tới hơn 26 tỷ đồng. Liên tục từ năm 2008 đến nay, giá trị XDCB của An Ninh đều vượt ngưỡng 5 tỷ đồng/ năm, trong đó riêng năm 2010 này ước đạt 5,8 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí nói trên, xã đã chi 1,7 tỷ đồng cho việc nâng cấp, cải tạo khu vực chợ Lầy rộng 7.000m2, đồng thời đầu tư nâng cấp tuyến giao thông số 1 và số 2 nằm ven chợ Lầy với kinh phí 400 triệu đồng nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của các hộ dân trong xã và quanh vùng.

Quy hoạch mở rộng bến bãi kinh doanh VLXD ven sông Hoá với diện tích trên 17.000m2 gồm 2 điểm. Các bến ven sông vừa là nơi tập kết hàng hoá vận chuyển đi tiêu thụ, nhất là các mặt hàng nông sản của cả vùng, đồng thời là điểm trung chuyển cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân địa phương và quanh vùng, chủ yếu là các mặt hàng VLXD như sắt, thép, xi măng, cát, đá, sỏi, vôi...

Bên cạnh đó, chính quyền xã còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và cá nhân bỏ vốn đầu tư mở rộng sản xuất- kinh doanh như: Tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng bằng các hình thức cho thuê, đấu thầu, khoán, liên kết; chỉ đạo các đoàn thể chính trị- xã hội đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển kinh doanh với lãi suất ưu đãi; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường để cung ứng sản phẩm và bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm của địa phương...

Nhờ kết hợp những tiềm năng sẵn có với các cơ chế phù hợp, đến nay xã An Ninh đã mời gọi được 2 công ty và 5 cơ sở đầu tư sản xuất và kinh doanh dịch vụ tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động. Đây chủ yếu là các hộ kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, cung cấp đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất như: Quần áo, lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng, nông cụ, điện tử, điện lạnh... Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 4 hộ đầu tư mua ô tô vận chuyển hành khách, 12 hộ đầu tư mua ô tô vận chuyển hàng hoá, 63 máy cày tay, 18 máy xay xát, 11 máy hàn xì, 2 máy trộn bê tông, 45 máy tuốt lúa, 8 máy làm bún bánh và 3 máy xẻ gỗ.

Đặc biệt, Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) xã là một trong những quỹ lớn, ra đời sớm và hoạt động hiệu quả. Từ chỗ ra đời và phục vụ nhu cầu vốn cho các hộ dân trong xã, đến nay Quỹ TDND An Ninh đã mở rộng địa bàn hoạt động sang các xã An Cầu và An Quý với tổng số thành viên lên tới 2.200 người. Hàng năm, quỹ huy động gần 30 tỷ đồng; tiền gửi và doanh số cho vay đạt trên 30 tỷ đồng, trong đó các khoản vay liên quan đến lĩnh vực TTCN và TM- DV thường xuyên chiếm khoảng 53%.

Cùng với việc quan tâm tạo việc làm tại chỗ, hàng năm xã An Ninh thường xuyên có từ 1.200- 1.500 lao động đi làm ăn xa ở cả trong và ngoài nước, trung bình mỗi năm những lao động này gửi về địa phương khoảng 20- 25 tỷ đồng.

Thương mại- dịch vụ phát triển không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, tạo dựng diện mạo xã thôn thêm khang trang, hiện đại mà còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Giá trị sản xuất TM- DV toàn xã năm 2009 đạt 24,8 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng về TM- DV bình quân giai đoạn 2006- 2010 ước đạt 18,45%. Từ chỗ tỷ trọng TM- DV của An Ninh chỉ chiếm 13,5% vào năm 2005, đến nay đã vươn lên chiếm 25% tổng giá trị sản xuất hàng năm của toàn xã.


Vũ Mạnh 

 

  • Từ khóa