Chủ nhật, 22/12/2024, 13:58[GMT+7]

Nhìn lại chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2013

Thứ 3, 01/10/2013 | 09:30:29
989 lượt xem
Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại năm 2013 và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, trong tháng 9/2013, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã chủ trì tổ chức hai đợt đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Bình Nguyên (Kiến Xương) và Thái Phương (Hưng Hà). Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn nhằm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng khu vực nông thôn.

Gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng.

Ông Trần Thế Định, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: Đây là năm thứ 5 liên tiếp Trung tâm chủ trì tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, trước đó đã tổ chức tại các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải. Riêng Hưng Hà, đây là lần thứ hai Trung tâm phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm tạo sự liên kết, tương tác hai chiều giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Với các doanh nghiệp, việc tham gia chương trình giúp họ quảng bá thương hiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường nông thôn rộng lớn đầy tiềm năng, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm với đối tác, đồng thời nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cung ứng sản phẩm đáp ứng đúng thị hiếu của khách hàng. Còn với người dân khu vực nông thôn, đây là cơ hội để họ tham quan, mua sắm, tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất, nhất là nhóm sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, người dân còn được tìm hiểu các công nghệ và kỹ thuật tiên tiếân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, chương trình còn là hành động thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao lòng tự tôn dân tộc, tự hào về sản phẩm nội, từng bước thay đổi tư duy sính hàng ngoại, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn thì việc ưu tiên dùng hàng Việt là hành động “ích nước, lợi nhà”, thể hiện trách nhiệm và lòng yêu nước của mỗi công dân.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm nay có quy mô mỗi điểm trên 30 gian hàng (tại Bình Nguyên là 32 gian, tại Thái Phương là 36 gian). 100% sản phẩm tham gia chương trình đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do doanh nghiệp trong nước sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác, hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.

Do đối tượng khách hàng chủ yếu là người dân nông thôn nên các sản phẩm trưng bày tại mỗi điểm phần lớn là mặt hàng tiêu dùng như lương thực - thực phẩm chế biến, bánh kẹo, đồ uống các loại, sản phẩm may mặc, dụng cụ nấu ăn, đồ điện gia dụng… và các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, dụng cụ làm vườn và chăm sóc cây cảnh, máy nông cụ…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đưa đến thị trường nông thôn một số sản phẩm công nghệ cao như: Trung tâm Thương mại Thiên Trường giới thiệu mẫu sản phẩm máy gặt đập liên hợp thế hệ mới; Công ty Thiên Thuận với các mẫu máy thái đa năng, máy trộn thức ăn; Siêu thị Điện máy HC trình làng các dòng sản phẩm thế hệ mới về tivi công nghệ Led, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, dàn âm thanh kỹ thuật số. Chương trình lần này đã thu hút được một số doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia như sản phẩm đồ uống (rượu, bia, nước giải khát) của Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen; sản phẩm bánh kẹo các loại của Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng; sản phẩm máy gặt đập liên hợp của Trung tâm Thương mại Thiên Trường…

Đặc biệt, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã mời một số siêu thị lớn tham gia chương trình như Siêu thị Điện máy HC và Siêu thị Hapro… Bà Trần Thị Thúy, đại diện Siêu thị Điện máy HC có chi nhánh tại Thái Bình cho biết: Mục đích của HC khi tham gia chương trình không phải là bán được nhiều sản phẩm trực tiếp tại hội chợ mà chủ yếu nhằm quảng bá thương hiệu và giới thiệu với khách hàng khu vực nông thôn những điểm ưu việt khi mua sản phẩm của HC như: chế độ bảo hành, chế độ chăm sóc khách hàng, miễn phí vận chuyển sản phẩm trong vòng bán kính 100 km, phối hợp với Ngân hàng Thương mại tổ chức chương trình bán hàng trả góp…

Kết hợp với các chương trình khuyến mại lớn, HC kỳ vọng thời gian tới sẽ thu hút được khách hàng khu vực nông thôn tìm đến với sản phẩm của mình. Còn bà Phan Thị Châm, Giám đốc Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng chia sẻ: “Doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất đạt từ 40 - 50 tấn sản phẩm/ngày. Tham gia vào chương trình, chúng tôi được miễn phí tiền thuê gian hàng, mỗi kỳ hội chợ là dịp để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu đến khách hàng nông thôn những sản phẩm bánh kẹo chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả phù hợp. Đồng thời giúp chúng tôi tìm hiểu nắm bắt nhu cầu thị trường để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp”.

Ông Trần Thế Định cho biết thêm: “Ngoài mục đích giao lưu, trao đổi hàng hóa, tại mỗi điểm tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nhân đạo từ thiện. Riêng hai đợt hội chợ tại Bình Nguyên và Thái Phương, các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng… đã trao tặng 130 suất quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi của địa phương”.

Bài, ảnh: Vũ Mạnh 

  • Từ khóa