Chủ nhật, 22/12/2024, 14:32[GMT+7]

Giữ nghề cho dân

Thứ 3, 19/11/2013 | 08:21:07
2,119 lượt xem
Trong lúc nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương gặp khó khăn do không tìm được đầu ra thì Công ty Mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Du Dương (xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương) vẫn duy trì sản xuất ổn định các sản phẩm từ mây, tre, cói, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động.

Nghề mây tre đan ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương).

Ông Phạm Văn Du, Giám đốc Công ty kể: Thượng Hiền có nghề mây tre đan truyền thống nổi tiếng từ lâu đời. Gia đình ông mấy đời gắn bó với nghề này. Trước kia, HTX tổ chức sản xuất, cả xã như một công trường, nhà nhà rút sợi, người người đan mây. Nhưng đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sản phẩm mây tre đan của Thượng Hiền mất thị trường tiêu thụ truyền thống tại các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ), những người làm nghề rơi vào hoàn cảnh bế tắc.

 Trước nguy cơ nghề truyền thống của địa phương bị mai một, ông mạnh dạn đứng ra thành lập cơ sở sản xuất tiếp tục làm nghề, đem sản phẩm làm từ mây của địa phương đi chào hàng, bán ở nhiều nơi. Ban đầu, cơ sở liên kết gia công cho các doanh nghiệp sản xuất mây, cói như: Hiệp Hòa, Công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Thái Bình… tạo việc làm cho 30 đến 40 lao động.

Sau đó, nghề mây tre đan dần phát triển ổn định trở lại, thị trường tiêu thụ mở rộng nên quy mô sản xuất của gia đình lớn dần, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Mong muốn có cơ hội trực tiếp xuất khẩu hàng ra nước ngoài, nâng cao thu nhập, năm 2007 ông thành lập Công ty Mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Du Dương. Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là mặt ghế mây và gối mây, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng mới với mẫu mã đa dạng như: mây xiên, lẵng hoa, mây pha bèo, đệm ghế cói… Từ chỗ làm đầu mối trung gian gia công sản phẩm, dần dần Công ty Mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Du Dương đã ký được các hợp đồng sản xuất sản phẩm cho các đối tác ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…

Thấy ông Du luôn nhiệt huyết với nghề và có những hướng đi táo bạo nên mấy năm gần đây nhiều cơ sở sản xuất mây tre, cói ở trong và ngoài huyện tìm đến doanh nghiệp nhận làm đầu mối trung gian liên kết sản xuất sản phẩm. Hiện tại, Công ty đã liên kết với hơn 40 tổ sản xuất các mặt hàng mây, tre, cói… ở Kiến Xương, Thành phố Thái Bình, Thái Thụy, Quỳnh Phụ… tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động với mức thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, quá trình sản xuất ông luôn chú trọng học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo, cải tiến mẫu mã  sản phẩm và đến từng cơ sở  tận tình hướng dẫn kỹ thuật đan, tẩy nhuộm mỗi khi khách hàng yêu cầu các mẫu hàng mới. Căn cứ vào tập quán, thói quen và tay nghề của người dân ở mỗi vùng miền, doanh nghiệp chỉ đặt mỗi cơ sở làm một vài loại hàng hoặc một khâu trong cả công đoạn sản xuất một sản phẩm nên đã tạo tính chuyên môn hóa cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.

Anh Phạm Xuân Đệ, chủ cơ sở chuyên chẻ mây, làm gối chia sẻ: “Tôi có thâm niên 25 năm làm nghề, ban đầu làm đơn lẻ sau đó liên kết với doanh nghiệp Du Dương chuyên chẻ mây, làm gối mây. Đây là sản phẩm “độc” của người dân Thượng Hiền, cả tỉnh không có nơi nào làm nên yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe: chọn nguyên liệu phải là mây già, khi đan gối phải đều sợi, chắc nhưng gối nằm không cứng. Nhờ sự năng động của chủ doanh nghiệp nên sản phẩm luôn được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất từ 3.000 - 4.000 sản phẩm gối mây, tạo việc làm cho 40 lao động.

Tích cực làm nghề nên mỗi năm gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập đủ để trang trải cuộc sống và nuôi con cái ăn học”. Còn chị Trần Thị Duyên (thôn Văn Lăng, xã Thượng Hiền) cho biết: “Nghề mây tre đan tận dụng được tối đa thời gian và sức lao động, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể làm được. Trước đây, chồng tôi đi làm xây dựng xa nhà còn tôi đi làm may ở công ty, thu nhập cao hơn nhưng phải đi làm xa tất bật từ sáng đến tối. Giờ về làm mây tre đan cho gia đình bác Du thu nhập mỗi tháng 1,5 triệu đồng nhưng lại có thời gian dọn dẹp nhà cửa, chăm lo con cái, cuộc sống ở nông thôn như vậy cũng tạm ổn”.

Ông Du cho biết thêm: Để người lao động yên tâm gắn bó với mình thì ngoài trả công đúng hẹn, doanh nghiệp sẵn sàng ứng trước tiền công, tiền mua nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khi khó khăn. Vì vậy, từ các tiểu chủ đến người sản xuất ai cũng chuyên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng, Công ty cung ứng cho các tổ sản xuất từ 15 đến 16 tấn mây, chưa kể các nguyên liệu khác như tre, gỗ, đay, cói và thu gom xuất xưởng 1 công-te-nơ hàng hóa ra nước ngoài. Những tháng cuối năm này, nhu cầu khách hàng tăng nên năng lực sản xuất  cũng tăng mạnh, trung bình mỗi tháng xuất 2 công-te-nơ hàng, dự kiến doanh thu  cả năm của Công ty đạt từ 15 - 16 tỷ đồng.

Nhờ có doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề mà mấy năm trở lại đây nhiều người dân thôn Văn Lăng nói riêng và cả xã Thượng Hiền nói chung có việc làm ổn định lúc nông nhàn. Tuy nhiên, hiện nay ông Du rất trăn trở vì mặt bằng sản xuất chật hẹp, chỉ có khu nhà 220 m2 vốn là nhà mẫu giáo cũ lại không có kho để bảo quản hàng hóa. Mong muốn của ông là được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua hoặc thuê lâu dài khu đất này để đầu tư cải tạo, xây dựng khu nhà xưởng, kho chứa hàng riêng biệt, hiện đại, có như vậy mới yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa