Thứ 5, 02/05/2024, 20:28[GMT+7]

Sức sống nghề mộc Nguyên Xá

Thứ 3, 26/11/2013 | 09:08:31
3,541 lượt xem
Xã Nguyên Xá (Vũ Thư) có nghề mộc truyền thống tồn tại mấy trăm năm nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay nghề và làng nghề nơi đây vẫn được duy trì và phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Nghề mộc ở xã Nguyên Xá (Vũ Thư) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Sinh ra trong gia đình đã 4 đời làm nghề mộc, năm nay đã ngoài 60 tuổi và là chủ cơ sở bán đồ nội thất quy mô lớn nhất nhì xã nhưng chưa bao giờ ông Vũ Văn Kiệm từ bỏ thói quen kiểm tra kỹ lưỡng từng chi tiết sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ông bảo: “Trước đây, sản phẩm của làng nghề chủ yếu là giường, tủ, cánh cửa… chỉ phục vụ nhu cầu người dân trong vùng. Tuy nhiên, những năm gần đây thị hiếu của khách hàng thay đổi, gia đình đã đầu tư sản xuất thêm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đòi hỏi khắt khe hơn về kỹ, mỹ thuật.

Do đó, mình phải kiểm tra kỹ lưỡng để bảo đảm sản phẩm làm ra chuẩn đến từng chi tiết thì mới tạo uy tín với khách hàng, tăng thu nhập. Cơ sở đã tạo dựng được 30 đầu mối tiêu thụ sản phẩm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, xuất hàng vào tận Đắc Lắc, Bình Dương. Năm nay thị trường tiêu thụ gặp một số khó khăn nhưng doanh thu  vẫn đạt 14 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động”. Bà Phạm Thị Mẫn năm nay 61 tuổi và đã có 7 năm gắn bó với cơ sở sản xuất đồ gỗ của ông Kiệm kể: “Nhờ có nghề mộc này mà người làng tôi không phải đi đâu vẫn có việc làm thường xuyên.

Người có vốn thì mở xưởng, không có vốn thì làm thuê tại các cơ sở. Làm ở đây, thợ lành nghề có thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Phụ nữ, người già như chúng tôi đánh ráp mỗi tháng cũng thu nhập 2,5 - 2,7 triệu đồng”. Cạnh xưởng nhà ông Kiệm, cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Hữu Hiệu của anh Vũ Đức Hữu cũng trưng bày rất đa dạng các loại sản phẩm. Anh chia sẻ: “Tôi sinh ra ở làng mộc, từ nhỏ đã quen với mùi gỗ, biết cầm bào, cầm đục, đến nay đã có 25 năm gắn bó với nghề.

Trước kia, để sống được với nghề tôi phải bôn ba cả tháng trời đi khắp các tỉnh để học mẫu mã, tìm đại lý bán sản phẩm. Năm 2009, tôi ra cụm công nghiệp làng nghề của xã mở rộng quy mô sản xuất, dần dần khách hàng tìm đến ngày một đông nên giờ sản xuất đã ổn định. Cơ sở của gia đình hiện có 4 nhân công làm việc với mức thu nhập bình quân   3 - 5 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng”.

Ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Là xã đa nghề, những năm qua Nguyên Xá luôn chú trọng phát triển CN -TTCN và coi đây là hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế chính để nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng nghề mộc được duy trì sản xuất ở thôn Thái. Ngoài tuyên truyền, vận động các gia đình tích cực sản xuất, giữ nghề truyền thống, xã đã 2 lần tổ chức cho các chủ cơ sở sản xuất tiêu biểu đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các làng nghề mộc nổi tiếng ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và làng chạm khắc gỗ ở La Xuyên (Nam Định).

Năm 2005 địa phương đã quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 4 ha tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ thuê đất, xây dựng nhà xưởng, cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. Bản thân các hộ làm mộc đã rất năng động, tích cực tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường để cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thậm chí, một số chủ xưởng mộc còn thuê thợ chạm khắc gỗ nổi tiếng ở Đồng Kỵ ra để dạy nghề cho mình và người lao động, chuyển hướng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nếu như trước đây, làm mộc ở Nguyên Xá chủ yếu bằng sức người theo lối thủ công, thì nay 100% các cơ sở đã đầu tư máy móc, thiết bị để chuyên môn hóa các khâu sản xuất từ khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào đến việc đánh bóng, phun sơn… góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như giá trị thu nhập.

Các sản phẩm từ mộc dân dụng như: bàn ghế, giường tủ, cánh cửa đến các sản phẩm mộc mỹ nghệ tinh xảo như: tủ thờ, án gian, cuốn thư, hoành phi, câu đối… đều bảo đảm về chất lượng, mẫu mã. Đặc biệt, các loại sập gụ, tủ chè, bàn ghế cổ, đồ thờ… đã được những người thợ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại, khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, tinh tế… được khách hàng ưa chuộng

Những ngày này về Nguyên Xá, tất cả cơ sở sản xuất đồ gỗ đều hoạt động hết công suất, lúc nào cũng rộn ràng tiếng máy cưa, tiếng đục đẽo, tiếng bào… để kịp đáp ứng những đơn hàng tăng cao dịp cuối năm. Cũng theo lời ông Khảng: Thời gian qua, kinh tế suy giảm nhưng nghề mộc của địa phương vẫn duy trì, phát triển là do các cơ sở luôn chú trọng bảo đảm về chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và đặc biệt là sản xuất tại làng, thợ nhà nên giá bán bao giờ cũng “mềm” hơn so với nhiều nơi khác. Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề giờ đã được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước, khách hàng rất ưa chuộng.

Toàn xã hiện có 180 hộ, cơ sở làm nghề mộc, tạo việc làm cho 530 lao động với mức thu nhập bình quân 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, tổng giá trị thu nhập từ nghề mộc của Nguyên Xá ước đạt trên 30 tỷ đồng. Việc giữ gìn và phát triển nghề mộc nói riêng, các nghề TTCN nói chung ở Nguyên Xá  những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho người dân địa phương với mức thu nhập bình quân đầu người năm nay ước đạt 24,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 2,79%. Hiện tại, Nguyên Xá đã hoàn thiện các thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2013.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa