Thứ 5, 02/05/2024, 19:13[GMT+7]

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Thứ 6, 29/11/2013 | 10:06:08
828 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 2290/QĐ-TTg, ngày 27/11/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Một góc cảng Sài Gòn

Quyết định được ban hành nhằm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

 

Theo đó, đến năm 2020, duy trì và phát huy năng lực của các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền hiện có; phát triển các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, nước ngoài; hình thành một số trung tâm sửa chữa tàu có quy mô lớn gắn liền với hệ thống cảng biển và các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng; có công nghệ sửa chữa tàu tiên tiến, thân thiện với môi trường; đảm bảo chất lượng và giá thành sửa chữa cạnh tranh; có thể đảm nhận sửa chữa đồng bộ các loại tàu thuyền trong nước và nước ngoài có trọng tải đến 300 nghìn tấn. 

 

Đến năm 2030, phát triển dài hạn ngành công nghiệp tàu thủy phù hợp với nhu cầu của thị trưởng, khả năng tài chính và năng lực quản lý; hình thành một số trung tâm có khả năng đóng mới tàu thuyền chuyên dụng có công nghệ cao, giá trị kinh tế lớn, bao gồm cả tàu container, tàu chở dầu, tàu chở hàng rời, ụ nổi và kho nổi chứa dầu đến 100 nghìn tấn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về cơ sở đóng mới tàu thuyền, duy trì các trung tâm đóng mới tàu thuyền, cụ thể: Khu vực phía Bắc tập trung tại Hải Phòng, Quảng Ninh trên cơ sở các Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng và Bạch Đằng. Định hướng từ nay đến năm 2020, giữ lại một phần nhà máy đóng tàu Nam Triệu để di chuyển Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng ra khỏi khu vực nội thành thành phố Hải Phòng.

 

Khu vực miền Trung tập trung tại các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa trên cơ sở các nhà máy lớn hiện có, trong đó Nhà máy đóng tàu Dung Quất chuyên môn hóa đóng tàu dầu cỡ lớn có trọng tải đến 100 nghìn tấn, kho nổi chứa dầu và kết cấu giàn khoan phục vụ ngành dầu khí; sau năm 2015, tìm kiếm đối tác đầu tư hoàn chỉnh nhà máy theo quy hoạch, có thể đóng tàu theo đơn đặt hàng xuất khẩu. Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin đóng mới các gam tàu tổng hợp có trọng tải từ 30 - 50 nghìn tấn phục vụ xuất khẩu. 

 

Khu vực phía Namon> tập trung khai thác có hiệu quả các nhà máy đóng tàu hiện có (gồm Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển Long Sơn). Các cơ sở đóng mới tàu thuyền chuyên dụng, đặc biệt, phương tiện nổi phục vụ hoạt động của các lực lượng vũ trang; tàu công trình, tàu tìm kiếm, cứu nạn, tàu nghiên cứu biển tại khu vực phía Nam được xây tập trung tại Vũng Tàu, Đồng Nai, Sài Gòn.

 

Về cơ sở sửa chữa tàu thuyền, chủ yếu được xây dựng, phát triển gắn liền với quy hoạch xây dựng, phát triển các cơ sở đóng mới, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, trong đó phía Bắc được quy hoạch gồm Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco-Vinalines, nhà máy của Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô, các Nhà máy đóng tàu Phà Rừng, Bạch Đằng và Hạ Long. Khu vực miền Trung, các nhà máy sửa chữa tàu biển được ưu tiên phát triển tại các vịnh khu vực Nam Trung Bộ có quy mô xây dựng đáp ứng một phần nhu cầu sửa chữa đội tàu quốc tế hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế qua khu vực biển Đông và hỗ trợ cho đội tàu ra vào các cảng biển thuộc Nhóm cảng biển số 5. Ngoài ra, khu vực phía Nam, đầu tư hoàn chỉnh các nhà máy hiện có nhằm hình thành hệ thống các nhà máy sửa chữa tàu thuyền gắn với hệ thống cảng biển lớn đã được quy hoạch, phục vụ hệ thống cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải, Soài Rạp, Nhà Bè, Sài Gòn.

 

Quyết định cũng nêu rõ, mạng lưới các nhà máy công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu được quy hoạch xây dựng gắn với quy hoạch ngành công nghiệp hỗ trợ trên cả nước, trong đó, khu vực miền Bắc xây dựng các khu công nghiệp tàu thủy theo đúng quy hoạch. Khu vực miền Trung tận dụng triệt để năng lực gia công của các dây chuyền sản xuất ống, mạ, đúc, rèn ... Đồng thời, xây dựng các trung tâm xử lý chất thải rắn, kim loại nặng và chất thải công nghiệp.

 

Nguồn dangcongsan.vn

 

  • Từ khóa