Chủ nhật, 22/12/2024, 14:30[GMT+7]

Ngành dệt may Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Thứ 3, 10/12/2013 | 10:00:20
1,151 lượt xem
Những năm qua, kinh tế thế giới và trong nước đều gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, lượng hàng tồn kho lớn. Tuy nhiên, ở Thái Bình ngành dệt may vẫn duy trì sản xuất ổn định, ký được các đơn hàng lớn và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Sản xuất sợi tại Công ty cổ phần Dệt sợi Damsan (Thành phố Thái Bình).

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành dệt may của Thái Bình phát triển khá nhanh và mạnh. Toàn tỉnh hiện có 234 doanh nghiệp dệt may, tăng 139 doanh nghiệp so với năm 2005. Trong đó, may mặc 110, dệt và kéo sợi 94, thêu 25, da giầy 5. Các sản phẩm dệt may khá đa dạng, phong phú với nhiều mẫu mã và quy cách khác nhau tùy theo yêu cầu của từng thị trường. Sản phẩm dệt may của Thái Bình hiện nay được xuất khẩu chủ yếu vào các nước như: Nhật Bản, các nước ASEAN, châu Âu và gần đây là Hoa Kỳ-một thị trường khá khó tính.

Năm 2012, giá trị sản xuất ngành dệt may toàn tỉnh đạt 8.089,1 tỷ đồng, chiếm 29,4% giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Từ cuối năm 2012 trở lại đây, ngành dệt may đang phục hồi khá nhanh và có chiều hướng phát triển mạnh. 11 tháng đầu năm 2013, hầu hết các sản phẩm dệt may đều tăng như: khăn các loại tăng 11,2%; áo khoác dài, áo khoác không tay tăng 9,64%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket tăng 12,16%; áo sơ mi cho người lớn tăng 19,27%; polyaxetal, polyester khác tăng 35,88%; xơ staple tổng hợp tăng 84,98%...

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ký các đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý III/2014 nên dự báo ngành dệt may sẽ có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Giá trị xuất khẩu dệt may năm 2012 đạt 541,217 triệu USD, chiếm 71,8% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may toàn tỉnh ước tăng 22,6% so với năm 2012. Dệt may hiện cũng là ngành tạo nhiều việc làm nhất cho người lao động với khoảng 60 nghìn người, mức lương bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng, chiếm gần 42% số lao động sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Ông Ðặng Văn Thái, Chủ tịch Chi hội Dệt may Thái Bình cho biết: Hiện nay Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến đến những vòng đàm phán cuối cùng, trong đó dệt may luôn là một nội dung quan trọng. Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trường lớn của xuất khẩu dệt may Thái Bình đồng thời cũng là thành viên trong TPP. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng là những thị trường rất khó tính, hàng hoá nhập khẩu vào những nước này phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe trong khi phát triển dệt may ở Thái Bình vẫn còn một số tồn tại nếu không sớm khắc phục thì sẽ mất rất nhiều cơ hội.

Hạn chế trước hết là phần lớn máy móc thiết bị của các doanh nghiệp dệt may đều chưa được đầu tư tiên tiến, hiện đại. Tỷ lệ nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may sản xuất trong nước chiếm rất thấp, phần lớn đều phải nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến tăng chi phí, lợi nhuận giảm. Tay nghề và trình độ của người lao động dệt may ở Thái Bình chưa được đào tạo một cách bài bản, tính chuyên môn hóa chưa cao dẫn đến năng suất lao động, cũng như tiền lương thấp hơn ở một số tỉnh khác. Các doanh nghiệp dệt may ở Thái Bình vẫn chưa tạo mối quan hệ liên kết chặt chẽ trong việc tổ chức hỗ trợ nhau trong sản xuất, đào tạo lao động, tìm kiếm thị trường xuất khẩu để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong quá trình sản xuất các sản phẩm dệt may, một số doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường và chưa được xử lý triệt để.

Thời gian tới, Thái Bình xác định dệt may vẫn là ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, phấn đấu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 743,318 triệu USD, đến năm 2020 tăng 1.197,121 triệu USD. Ðể đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất các sản phẩm xơ, sợi, may mặc chất lượng cao, nâng cao giá trị hàng may FOB và giảm tỷ lệ hàng may gaia công, đồng thời khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành may.

Tuy nhiên trong điều kiện ngành dệt may có nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay, ngoài định hướng lớn từ phía tỉnh, bản thân mỗi doanh nghiệp dệt may ở Thái Bình cũng cần xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của mình để kịp thích ứng với những biến động của thị trường. Vấn đề mấu chốt phải cải tiến kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ, đầu tư có chiều sâu kết hợp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa