Thứ 3, 23/07/2024, 11:19[GMT+7]

Phụ nữ Vũ Thư Giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ 3, 28/09/2010 | 14:26:32
3,311 lượt xem
Huyện Vũ Thư có 68.300 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó 47.305 chị tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, đạt tỷ lệ 69,3%. Những năm qua, hội phụ nữ các cấp trong huyện đã có nhiều việc làm thiết thực giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập, là nền tảng xây dựng gia đình đạt 4 tiêu chí : No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đó cũng chính là trọng tâm của chương trình công tác hội phụ nữ.

Công ty bánh kẹo Bảo Hưng (Vũ Thư) của chị Phan Thị Châm đã góp phần tạo việc làm cho 300 lao động. Ảnh: Ngọc Linh

Trong những năm gần đây, Vũ Thư tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp làm chuyển biến cơ bản nhận thức của người dân thực hiện phương thức sản xuất: Xuân muộn - mùa sớm - cây vụ đông. Lời giải của bài toán tăng giá trị thu nhập trên ha canh tác khi năng suất lúa đã ở đỉnh cao chỉ có thể là mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông-vụ thứ 3 trong năm.

Để có quỹ đất, toàn huyện đã tập trung gieo cấy 98-100% giống lúa ngắn ngày bằng mạ non trên nền đất cứng. Các cấp hội cơ sở không những chủ động, tích cực vận động chị em thực hiện lịch thời vụ, đề án sản xuất, mà còn phối kết hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn làm tốt việc trang bị kiến thức khoa học công nghệ mới cho chị em để áp dụng vào sản xuất. 30 cơ sở hội phối hợp tổ chức 115 lớp tập huấn về kỹ thuật gieo cấy lúa xuân, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, triển khai đề án sản xuất vụ xuân năm 2010 và kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với các loại cây trồng, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Đã có 15.125 hội viên Hội phụ nữ về dự. Để giúp chị em thâm canh tăng năng suất lúa, hội phụ nữ 20/30 xã phối hợp với Công ty phân lân Ninh Bình, Công ty SUPE phốt phát Lâm Thao tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa và sử dụng phân bón của công ty cho 3.125 hội viên. 

Chỉ tính riêng vụ xuân 2010, Hội phụ nữ huyện ký hợp đồng chuyển giao khoa học kỹ thuật và mua gần 400 tấn phân bón các loại trả chậm với Công ty phân lân Văn Điển, Công ty Lam Sơn, trị giá gần 3 tỷ đồng để hội viên chăm bón lúa kịp thời. Đoàn kết giúp đỡ, tương trợ nhau  lúc khó khăn, khi thời vụ là nét đẹp của phụ nữ trong huyện. 6 tháng qua, đã có 1.235 chị giúp 2.007 chị với số tiền 1 tỷ 931 triệu đồng, 112 chỉ vàng, 15.232 kg thóc, 6.075 kg phân bón các loại.

Hội phụ nữ cơ sở giúp đỡ 540 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ với các hình thức như: cho vay vốn phát triển sản xuất, tập huấn KHKT... Điển hình là phụ nữ xã Song Lãng, Tân Lập, Minh Lãng, Việt Thuận, Nguyên Xá, Vũ Đoài. Chị Trần Thị Tới,  hội phó phụ nữ Song Lãng có một đại lý thức ăn chăn nuôi, bán trả chậm cho trên 500 lượt chị em, số tiền 400 triệu đồng. Có chị kinh tế khó khăn, được chị giúp đỡ cho mua hàng hàng chậm trả đến khi bán lợn mới thanh toán. Đến nay kinh tế gia đình đã ổn định

Là cánh tay dài của ngân hàng CSXH, tham gia đưa vốn ưu đãi của Chính phủ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, hiện phụ nữ Vũ Thư đang quản lý số vốn tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện là 65.807 triệu đồng, cho vay 6.705 hội viên thuộc 155 tổ Tiết kiệm & vay vốn,  bao gồm 3.297 hộ nghèo, dư nợ 27.533 triệu đồng, 2290 hộ vay 33.892 triệu đồng nuôi con em ăn học đại học, cao đẳng; 53 hộ vay gần 950 triệu đồng vốn tạo việc làm, 41 hộ vay 328 triệu đồng làm nhà ở...

8 tháng đầu năm 2010, Hội phụ nữ huyện kiểm tra, giám sát vốn vay 14 xã, thị trấn, thu hồi giải ngân các nguồn vốn bảo đảm đúng nguyên tắc, đôn đốc các hộ vay vốn trả gốc, lãi đúng hạn, không khê đọng thất thoát. Đồng thời các cơ sở hội hiện quản lý vốn vay NHNN & PTNT là 3.972 triệu đồng, 421 hộ vay,  nguồn vốn dự án nước sạch vệ sinh 6.930 triệu đồng cho 1.188 hộ vay...

Thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’, phụ nữ toàn huyện xây dựng 155 mô hình tiết kiệm của cấp xã và chi hội. Số tiền tiết kiệm được sử dụng vào nhiều việc làm có ý nghĩa như phụ nữ Nguyên Xá cho 6 chị vay đầu tư sản xuất, phụ nữ Vũ Đoài dành mua thẻ bảo hiểm y tế tặng chị em nghèo, cơ quan hội phụ nữ huyện tặng quà tết cho phụ nữ khó khăn... Đặc biệt chị em quyên góp xây dựng mái ấm tình thương cho chị Lại Thị Đỏ thôn Tường An xã Tân Hòa.

Để tạo điều kiện cho hội viên có thêm cơ hội về việc làm để tăng thêm thu nhập, Hội phụ nữ huyện chỉ đạo cơ sở tiếp tục tuyên truyền, tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động ,phối hợp tổ chức 15 lớp dạy nghề đan mặt ghế, may công nghiệp, làm mi mắt giả, chổi đót... cho 688 lao động nữ ; tư vấn giới thiệu 237 chị có việc làm...

Hội phụ nữ xã Hồng Lý, Vũ Đoài phối hợp tổ chức 2 lớp dạy nghề mây tre đan và đan làn nhựa cho 130 chị em tại địa phương; Huyện hội phối hợp cùng tỉnh tổ chức 2 lớp dạy nghề tại xã Song An, tiếp tục chỉ đạo 2 xã Tam Quang, Phúc Thành duy trì dạy nghề được hỗ trợ vốn khuyến công, góp phần duy trì và phát triển nghề tại địa phương.

Nhiều chị mở các tổ sản xuất, tạo việc làm thu hút lao động như tổ dệt khăn mặt ở xã Vũ Vinh của chị Lê Thị Mậu  thu hút 40 lao động, Lê Thị Ngó thu hút 12 lao động . Tổ mây tre đan của chị Nguyễn Thị Hoa (Phúc Thành) có 40 lao động. Tại Minh Lãng, xưởng thêu của chị Đỗ Thị Tơ Việt có 50 lao động, Đỗ Thị Năm 40 lao động, Nguyễn Thị Lụa 21 lao động, Đỗ Thị Hoa 15 lao động... Nữ chủ doanh nghiệp thành đạt là chị Phan Thị Châm giám đốc Công ty sản xuất kinh doanh bánh kẹo Bảo Hưng, tạo việc làm cho trên 300 lao động, sản xuất tiêu thụ 10-12 tấn bánh kẹo/ngày, doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.

Về bất cứ cơ sở hội nào trong huyện, nơi đâu, chúng tôi cũng gặp những chị em phụ nữ tiêu biểu, chịu thương chịu khó, tần tảo tự lực vươn lên  như chị Phạm Thị Năm thôn Hoàng Xá (Nguyên Xá)  có hai con chăm ngoan học giỏi, hàng năm chị xuất chuồng 3 tấn lợn hơi, trồng 7 sào đậu tương đông. Ngoài cấy lúa, nuôi lợn, chị còn làm thêm nghề thêu ren xuất khẩu để tăng thu nhập cho gia đình.

Chị Đỗ Thị Lý thôn Phương Tảo 2 (Xuân Hòa) nhận chuyển đổi 3 mẫu ruộng cấy lúa năng suất thấp đầu tư trồng cây cảnh, ớt, đậu tương, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đồng thời chị còn chăn nuôi hàng tấn lợn/năm, tạo việc làm cho 5-10 lao động. Gia đình chị nhiều năm được bình xét đạt gia đình văn hóa tiêu biểu, các con chăm ngon, học giỏi, kinh tế khá giả...

Những hoạt động trên không những nâng cao hình ảnh, vị thế của người phụ nữ đảm đang, đem lại cuộc sống gia đình ổn định, nâng cao đời sống vật chất tinh thần mà còn góp phần tích cực cùng Đảng bộ thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2009 xuống còn 9%


P.V

 

  • Từ khóa