Chủ nhật, 28/04/2024, 21:23[GMT+7]

Ðông Hưng Ðưa nghề may về vùng nông thôn

Thứ 3, 11/02/2014 | 10:05:32
1,503 lượt xem
Những năm gần đây Ðông Hưng đã có những bước tiến đáng kể về phát triển nghề và làng nghề. Một trong những nghề phát triển nhất là may công nghiệp ở các vùng nông thôn. Tận dụng được thế mạnh có nguồn lao động dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển mở rộng nhà xưởng, các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư vốn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Công ty TNHH may công nghiệp Tuấn Hương xã Ðông Vinh tạo việc làm cho trên 100 lao động

 

Dù mới đi vào hoạt động từ năm 2010 nhưng đến nay Công ty TNHH May công nghiệp Tuấn Hương, xã Ðông Vinh đang là địa chỉ đỏ của nhiều lao động ở địa phương. Ðến nay Công ty đã thu hút 160 lao động với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Ðến với Công ty, các công nhân không chỉ được trả lương đều đặn mà còn được hưởng đầy đủ quyền lợi cũng như chế độ của người lao động như thưởng, đóng bảo hiểm. Ðó là lời khẳng định của bà Hương, Giám đốc Công ty khi trao đổi với chúng tôi. Không phải ngẫu nhiên bà Hương đến với nghề này, trải qua nhiều nghề từ gia công hàng bưu thiếp của Nhật, tới việc đầu tư gần 1 tỷ đồng mở xưởng xay xát buôn bán gạo nhưng bà đều chưa hài lòng. Với bà, kinh doanh phải được lợi từ nhiều phía, cả người lao động, bà con lối xóm và gia đình, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và quan trọng nhất là tạo được việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Vì thế bà đã chọn và đến với nghề may gia công các mặt hàng áo Jacket, quần áo trẻ em cho Mỹ, Ðài Loan, Hàn Quốc.

 

Ðến nay, Công ty đã đầu tư 3 tỷ đồng để mua sắm 150 máy may, xây dựng 478m2 nhà xưởng. Trong năm 2014, Công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất, chuyển ra vị trí khu thương mại dịch vụ của xã với mức đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng 3.000m2 nhà xưởng, mua thêm 200 máy và thu hút thêm 220 lao động. Năm 2012, Công ty đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng, năm 2013 tăng lên 7 tỷ đồng.

 

Hiện nay nghề may gia công không chỉ làm giàu cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Ðông Hưng mà còn là nghề được nhiều lao động ở nông thôn lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Thơ, 23 tuổi xã Ðông Giang cho biết: “Học xong THPT, em lập gia đình, hai vợ chồng với đứa con nhỏ vào miền Nam kiếm nghề, tưởng có thể làm ăn nơi đất khách nhưng suy đi tính lại, làm ở thành phố lớn mà chỉ thu nhập được vài triệu đồng, lại thêm con nhỏ ăn học, thuê nhà, trừ chi phí đi chẳng còn đồng nào. Vì thế em quyết định về quê làm công nhân may, vừa có thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng vừa được gần bố mẹ, không mất tiền thuê nhà lại tiết kiệm được nhiều thứ”. Nhiều người có độ tuổi cao hơn, kỹ thuật kém cũng tìm được cho mình những công việc hợp lý trong các công ty, cơ sở may gia công.

 

Chị Lại Thị Hồng, thôn Ðông Ðồng Hải, xã Ðông Vinh năm nay đã 40 tuổi cho biết: “Hai vợ chồng làm nông nghiệp, nhà chỉ cấy vài sào ruộng, nuôi con nhỏ nên đời sống rất khó khăn. Từ khi Công ty may Tuấn Hương đi vào hoạt động, chúng tôi đã coi đó như là cơ hội để nâng cao đời sống gia đình và quyết định xin vào làm. Công việc của tôi là làm ở khâu kiểm hóa vừa nhàn, thu nhập lại ổn định với mức lương 3 triệu đồng/tháng mà vẫn tranh thủ phụ giúp công việc chăn nuôi ở nhà cho chồng những lúc sớm tối vì thế gia đình ngày càng khấm khá, tôi vui lắm’’.

 

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Duyệt, Phó trưởng phòng Công Thương huyện Ðông Hưng thì: những năm gần đây, nghề may gia công đã phát triển mạnh ở các xã trên địa bàn huyện. Ðặc biệt hai năm qua đã có sự gia tăng đột biến về cả số lượng lao động và cơ sở sản xuất. Ðiển hình như xã Ðông Phương đã phát triển rất nhanh, đến nay đã có tới 4 cơ sở may, bình quân mỗi cơ sở cũng tạo việc làm cho vài trăm lao động ở địa phương. Nhiều cơ sở đang gấp rút hoàn thành nhà xưởng kịp thời sản xuất vào dịp đầu năm mới, tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động như Công ty TNHH Khánh Hiền xã An Châu.

 

Tới nay nghề may công nghiệp đã phát triển rộng khắp ở 30 xã, tăng 8 xã so với năm 2012. Toàn huyện có khoảng 8.000 lao động làm nghề này, trong đó có khoảng 3.000 lao động làm trong các cơ sở và 5.000 lao động làm trong các công ty, doanh nghiệp lớn. Trung bình mỗi cơ sở có từ 30 - 50 máy, tạo việc làm cho lao động từ 18 - 40 tuổi. Do là mặt hàng may gia công, người lao động làm và ăn theo sản phẩm nên làm đến đâu hưởng đến đó, thu nhập thấp nhất cũng được 2 triệu đồng/người/tháng, bình quân là 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều công ty lớn thu hút hàng nghìn lao động nông thôn. Ðiển hình như Công ty Vjone thường xuyên tạo việc làm cho 2.100 lao động. Năm 2013, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, thu hút thêm 300 lao động vùng nông thôn, đưa tổng doanh thu năm 2013 đạt 125 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, một số công ty khác như Công ty may Ðại Ðồng, may Bình Minh đều đạt doanh thu từ 70 - 90 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định.

 

Theo ông Duyệt, nghề may phát triển mạnh trong thời gian qua trên địa bàn huyện Ðông Hưng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là do một số thị trường xuất khẩu có nhu cầu tăng, nhất là đơn đặt hàng của các nước Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên yếu tố quyết định lại chính là nguồn lao động ở vùng nông thôn dồi dào, có nhu cầu tìm việc làm lớn, giá thành thuê lao động ở mức vừa phải, đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, phía huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho các dự án được thuê đất, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ðồng thời hàng năm phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho hàng trăm lao động. Ðây cũng là hướng đi và giải pháp của huyện nhằm hỗ trợ cho người lao động ở vùng nông thôn có việc làm, nâng cao đời sống người dân.  

                          Thu Thủy

 

 

 

  • Từ khóa