Chủ nhật, 22/12/2024, 14:32[GMT+7]

Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Thứ 4, 19/02/2014 | 10:12:51
763 lượt xem
Ngày 18/2, Top 500 doanh nghiệp (DN) tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam vừa được Vietnam Report công bố.

Ảnh minh họa.

 

Kết quả do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Namon> - Vietnam Report kết hợp cùng báo điện tử VietNamNet khảo sát đánh giá.

 

Thứ hạng các DN trong Bảng xếp hạng FAST500 được sắp xếp theo tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu giai đoạn 2009 - 2012, có tính đến các tiêu chí như: Tổng tài sản, tổng số lao động, lợi nhuận sau thuế, uy tín DN trên truyền thông...

 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Namon> năm 2013 là 129,5%.

 

Thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500 cho thấy, số DN tư nhân lọt vào bảng chiếm tới trên 65%, nhiều hơn gấp đôi so với khối DN Nhà nước. Bên cạnh đó, CAGR trung bình của khối tư nhân cũng cao hơn hẳn so với khối DN FDI, và DN Nhà nước (DN tư nhân: 50,3%, DN FDI: 43,8%, DN Nhà nước: 38,9%). Con số trên đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy xét về mức độ năng động, khối DN tư nhân vẫn là ngọn cờ tiên phong của toàn nền kinh tế.

 

Xét về địa phương, 2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục dẫn đầu BXH về số lượng DN với tỷ lệ tương ứng là 31% và 21%. Tuy nhiên xét các DN FAST 500 trải đều trên địa phương, từ Bà Rịa - Vũng Tàu cho đến Hải Phòng, Long An, Khánh Hòa. Điều này cho thấy những ngôi sao đang lên của nền kinh tế không chỉ tập trung tại các thành phố lớn mà còn tỏa sáng tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Xét về ngành nghề, ngành thực phẩm, đồ uống là ngành có nhiều DN tăng trưởng nhanh nhất (18%), tiếp sau là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản (16%), ngành khoáng sản, xăng dầu (9%), ngành tài chính (8%), ngành hóa chất (7%).

 

Tuy nhiên xét về tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân ngành thì thủy sản lại là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất (trên 65,1%), thay thế vị trí của ngành cơ khí trong BXH năm ngoái. Theo sau ngành thủy sản là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (59,2%) và ngành vận tải (58,6%).

 

Kết quả khảo sát cho thấy, với kết quả kinh doanh năm 2013 tốt hơn so với năm 2012 (xấp xỉ 86% đại diện tham gia khảo sát cho biết, doanh thu năm 2013 của DN mình cao hơn so với năm 2012) thì phần lớn các DN Việt đều đặt kỳ vọng 2014 sẽ là năm chấm dứt giai đoạn khó khăn kéo dài và bắt đầu cho thời kỳ tăng trưởng mới. Gần 88% đại diện tham gia khảo sát dự báo, kinh doanh năm 2014 sẽ tốt hơn hoặc bằng so với năm 2013.

 

Đảm bảo ổn định vĩ mô và đơn giản hóa các thủ tục hành chính là những mong mỏi không mới nhưng luôn cần thiết cho các DN Việt trong năm 2014.

 

Khi được hỏi, doanh nghiệp kỳ vọng gì từ phía Chính phủ trong năm 2014, phần lớn các DN cho rằng, việc đảm bảo ổn định vĩ mô (65,5%) và đơn giản hóa và giảm gánh nặng của các thủ tục hành chính vào các doanh nghiệp (64,9%) là hành động cần thiết để hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, thay vì mong đợi sự cứu trợ thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư hay ưu đãi thuế.

 

Giai đoạn khó khăn vừa qua chắc chắn đã mang lại sự trải nghiệm và bài học quý báu cho các DN Việt, bởi họ nhận thức rằng, tự thân vận động, tự thay đổi mình là phương cách tốt nhất đưa doanh nghiệp vượt khó để thành công.

Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa