Chủ nhật, 22/12/2024, 13:39[GMT+7]

Kiến Xương Phát triển công nghiệp trong điều kiện khó

Thứ 3, 18/03/2014 | 08:47:22
981 lượt xem
Ðứng trước những biến động của suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, huyện Kiến Xương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất trong các cụm công nghiệp, làng nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động.

Sản phẩm chạm bạc của HTX Phú Lợi, xã Lê Lợi (Kiến Xương).

Ông Ðặng Văn Tính, Trưởng phòng Công Thương huyện Kiến Xương cho biết: Giá cả, vật tư đầu vào tăng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong huyện; lãi suất vốn vay đã giảm song còn cao; lao động thường xuyên biến động dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong làng nghề thiếu lao động, ảnh hưởng tới việc mở rộng sản xuất kinh doanh... Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn đó nhưng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề đã cố gắng giữ vững sản xuất, tìm giải pháp và hướng đi thích hợp để mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động.

Năm 2013, tổng giá trị sản xuất CN - TTCN toàn huyện đạt 1.971 tỷ đồng; trong đó khu vực doanh nghiệp, công ty, HTX đạt 1.861 tỷ đồng, khu vực hộ gia đình đạt 539,9 tỷ đồng. Ðến nay, toàn huyện có 230 doanh nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp nằm trong các cụm công nghiệp (CCN), còn lại nằm rải rác trên địa bàn các xã. CCN Vũ Ninh hiện có 2 công ty hoạt động ổn định đó là Công ty TNHH Sơn Hà tạo việc làm cho trên 600 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng; Công ty Cấp nước Thủy Long đang thi công nhà máy nước cung cấp cho 3 xã. Ở CCN Vũ Quý, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% với 4 công ty là Công ty TNHH Thủy Dương, Công ty Busadco, Công ty Phúc Kiến, Công ty Hưng Long đã đi vào sản xuất ổn định. CCN Thanh Tân được quy hoạch từ năm 2010 đã thu hút được 3 doanh nghiệp đi vào sản xuất và phát triển ổn định. Hiện tại Công ty may Việt Thái đã xây dựng thêm dây chuyền sản xuất thứ 2 tạo việc làm cho 1.000 lao động.

Ngoài ra, nghề và làng nghề ở Kiến Xương đóng góp quan trọng trong phát triển CN - TTCN của huyện. Toàn huyện hiện có 40 làng nghề, trong đó 13 xã có làng nghề phát triển ổn định, bền vững, 6 xã có làng nghề hoạt động cầm chừng và 3 xã có làng nghề suy giảm, chưa được cấp bằng công nhận lại. Các nghề truyền thống tiếp tục được duy trì như chạm bạc, mây tre đan, chế biến cói, thêu ren, đính hạt cườm, thảm len, thảm tơ, tấm lót xuất khẩu. Nhiều nghề du nhập mới, thu hút hàng nghìn lao động tham gia như khâu bóng, tăm hương, đan mặt ghế nhựa, da giày. Thu nhập bình quân từ nghề của người lao động trong huyện cũng tương đối ổn định. Ðiển hình như nghề mây tre đan, chế biến cói, hạt cườm đạt từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/người/tháng; nghề thêu, thảm len đạt từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng; nghề dệt đũi, chạm bạc đạt từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Tính, thời gian qua nghề may công nghiệp đã phát triển mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của huyện. Tới nay, toàn huyện có 25 cơ sở may và 25 doanh nghiệp may đi vào sản xuất tạo việc làm cho khoảng 3.500 lao động. Ngoại trừ một số công ty lớn như Công ty TNHH Sơn Hà, Công ty may Việt Thái, Công ty TNHH Hanul thu hút hơn 2.000 lao động, các cơ sở, doanh nghiệp may còn lại thu hút bình quân 70 lao động/cơ sở với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Một số làng nghề truyền thống đang có chiều hướng suy giảm nhưng lại du nhập thêm nhiều nghề mới vào sản xuất thay thế nghề cũ, đem lại giá trị thu nhập cao cho người lao động. Ðiển hình như các làng nghề dệt đũi, đan gai vó, dệt chiếu cói đã phát triển thêm nghề may công nghiệp, đệm ghế cói, làm chăn bông, tạo thu nhập cao gấp 2 lần so với nghề trước đó... Sự phát triển nghề và làng nghề đã góp phần đưa giá trị sản suất CN-TTCN của huyện tăng trưởng bình quân đạt 7,9%/năm.

Năm 2014, huyện Kiến Xương phấn đấu giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 2.164,4 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2013. Ðể đạt được mục tiêu trên, Kiến Xương tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào các CCN. Duy trì và phát triển bền vững các làng nghề sẵn có, tập trung phát triển các mặt hàng như chế biến lương thực - thực phẩm, dệt, da, may, thêu, mây tre đan, gỗ. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất về mặt bằng, nguồn vốn và nguồn lao động. 

Quốc Cường

  • Từ khóa