Thứ 4, 08/05/2024, 12:15[GMT+7]

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Đông Hưng

Thứ 6, 09/05/2014 | 08:19:41
2,534 lượt xem
Ðến thời điểm này, tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Ðông Hưng đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển khá, giá trị sản xuất tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Ðây là tiền đề để huyện phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cả năm 2014 đạt 2.075 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2013.

Công ty TNHH may Tuấn Hương, xã Đông Vinh (Đông Hưng) tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Ngay từ đầu năm 2014, huyện Ðông Hưng cùng các ngành chuyên môn đã phát động phong trào thi đua, thăm động viên kịp thời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do đó tình hình sản xuất kinh doanh đã từng bước cải thiện rõ rệt. Trên địa bàn huyện đã thu hút thêm nhiều dự án đăng ký mới như Công ty TNHH may Tuấn Hương (xã Ðông Vinh), cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Phạm Thị Huyền (xã Ðông Sơn), Công ty TNHH Lam Sơn tại Cụm công nghiệp Xuân Quang.

Toàn huyện hiện có 218 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động, trong đó hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 66 doanh nghiệp, HTX. Ngoài ra, Ðông Hưng còn có trên 300 cơ sở sản xuất, trong đó có trên 100 cơ sở sản xuất trong làng nghề. Hiện tại, một số ngành hàng vẫn giữ được ổn định và có mức tăng khá như: dệt may, gia công điện tử, sản xuất bật lửa, tôn lạnh, chế biến gỗ. Một số công ty đổi mới dây chuyền công nghệ như Công ty TNHH thép Hoàng Ðào; Công ty Hoa Việt đã đưa dự án đầu tư mở rộng sản xuất bút bi và đèn pin đi vào hoạt động cho ra sản phẩm.

So với thời điểm cuối năm 2013, ngành hàng vật liệu xây dựng cũng đã có sự  chuyển biến. Ba doanh nghiệp lớn trên địa bàn là Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Sông Diêm, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Ðống Năm, Công ty Hoa Việt từ chỗ hàng tồn kho tới trên 12 triệu viên gạch thì tới tháng 4 trở lại đây các công ty đã giải phóng được hết hàng.

Ðặc biệt, các cơ sở sản xuất gạch không nung đã phát triển mạnh, xuất hiện ở hầu hết các xã duyên giang trong huyện và có mức tăng trưởng khá do nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng cao. Mặt hàng sản xuất sắt thép, tôn lạnh cũng có sự gia tăng, phát triển tốt.

Ðiển hình như ngay đầu năm nay Công ty TNHH thép Hoàng Ðào tiếp tục đổi mới mẫu mã và điều chỉnh linh hoạt về kích thước sản phẩm phù hợp với nhiều loại công trình đồng thời tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm khác có công dụng tương tự như tấm palel ốp trần, tường, nhà chống nóng di động, thùng lạnh, xe lạnh và các sản phẩm chống nóng tiết kiệm điện khác. Năm 2014, Công ty phấn đấu doanh thu đạt 41,4 tỷ đồng. Hay như HTX Long Thái cũng chuyển từ chế biến gỗ sang làm sắt thép tạo việc làm cho hơn 20 lao động đạt thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm tôn xốp HODAMAT của Công ty TNHH thép Hoàng Ðào.

Trong lĩnh vực dệt may, ngoài sự phát triển, hình thành cơ sở may gia công ở hầu hết các xã, đầu năm 2014 Công ty may Vijone đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tạo việc làm cho hơn 300 lao động, công suất tăng lên gấp 2 lần so với trước đó.  

Các làng nghề ở Ðông Hưng hoạt động tương đối ổn định với 27 làng nghề. Một số xã du nhập nghề mới và mở rộng nghề thu hút nhiều lao động như nghề chẻ tăm hương, song mây, may túi xách xuất khẩu... Hiện tại, Ðông Hưng có trên 36 nghề, tập trung vào 11 nhóm ngành thu hút gần 17.000 lao động tham gia.

Nhóm nghề dệt, may, thêu thảm, móc hộp thu hút gần 5.000 lao động, trong đó nghề dệt thảm đay, thảm len thu hút trên 400 lao động, nghề chẻ tăm hương, song mây thu hút trên 600 lao động, nghề may mặc thu hút hàng nghìn lao động. Nhóm nghề dệt bao tải, làm chăn bông tiếp tục phát triển ở 4 xã thu hút gần 1.000 lao động.

Nhóm nghề dệt chiếu, xe đay thu hút khoảng 4.000 lao động và nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động... Tuy nhiên số lượng lao động ở một số nghề lại có chiều hướng giảm, nhất là nghề móc sợi và nghề thêu. Trước đây, các cơ sở móc sợi ở Ðông Hưng thường tạo nhiều việc làm cho lao động vệ tinh bằng cách người lao động đến cơ sở sản xuất lấy nguyên liệu về nhà làm thành phẩm.

Từ đầu năm 2014 một số thị trường khó tính đã yêu cầu các cơ sở sản xuất phải có mặt bằng xây dựng nhà xưởng để làm tập trung, thuận tiện cho việc kiểm soát chất lượng hàng hóa do đó số lượng lao động làm trong nghề này đã giảm khoảng 1/3.

Ðối với nghề thêu, đến nay cũng gần như xóa sổ trong toàn huyện. Trước đây có khoảng 1.000 lao động của các xã như Hoa Lư, Hồng Châu, Hợp Tiến, Ðông Lĩnh làm nghề này thì nay số lượng còn tham gia làm nghề không đáng kể. Ngoài ra, một số nghề khác cũng suy giảm do không còn phù hợp với thị trường và không đáp ứng nhu cầu thu nhập người lao động như 3 làng nghề đan rổ rá ở xã Hồng Châu.   

Ðể có được kết quả như trên, ngay từ đầu năm 2014 huyện Ðông Hưng đã chú trọng đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, du nhập nghề mới, giữ vững và phát triển nghề hiện có trên cơ sở khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương như  lao động, nguyên liệu, mặt bằng để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Xác định một số ngành nghề mũi nhọn như chế biến lương thực, thực phẩm, dệt may, gia công cơ khí và các nghề thủ công mỹ nghệ để tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư hỗ trợ đào tạo dạy nghề, cho vay vốn, tạo điều kiện cho thuê mặt bằng sản xuất.

Trong thời gian tới, Ðông Hưng tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận được các nguồn vốn của Nhà nước thông qua các tổ chức tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác. Ðẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế chủ động tìm kiếm thị trường. Tích cực giải phóng mặt bằng cho các dự án xin đầu tư. Hỗ trợ đào tạo dạy nghề đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh.  

 Thu Thủy

  • Từ khóa