Thứ 5, 09/05/2024, 07:31[GMT+7]

Đầu tư nước ngoài chủ yếu vào công nghiệp chế tạo

Thứ 3, 27/05/2014 | 08:12:12
678 lượt xem
Tính đến thời điểm hiện tại, 3 đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều có tỷ trọng đầu tư cao vào công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 4/2014, Nhật Bản có 2.266 dự án và 35,51 tỷ USD tổng vốn đăng ký. Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 18 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và đang tăng cường tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.227 dự án, tổng vốn đăng ký 29,9 tỷ USD); kinh doanh bất động sản (30 dự án, tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD); xây dựng (56 dự án,tổng vốn đăng ký 1,06 tỷ USD) ...

 

Các dự án của Nhật Bản đầu tư tại Việt Namon> chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài (1.865 dự án, tổng vốn đăng ký 19,53 tỷ USD); tiếp theo là hình thức liên doanh với 364 dự án, tổng vốn đăng ký 14,82 tỷ USD. Còn lại là các dự án đầu tư theo hình thức công ty cổ phần và hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

 

Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào 49 tỉnh và địa phương trong cả nước. Trong đó, Thanh Hóa thu hút nhiều vốn từ Nhật Bản nhất với 9 dự án có tổng vốn đầu tư 9,68 tỷ USD. Đứng thứ hai là Bình Dương với 224 dự án với tổng vốn đầu tư 4,18 tỷ USD. Tiếp theo là các địa phương Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đồng Nai...

 

Hàn Quốc đứng thứ hai sau Nhật Bản trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với nhiều dự án lớn trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp tiêu biểu của Hàn Quốc đã có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội Việt Nam như Samsung, Posco, Doosan, Kumho, LG, Daewoo, GS, SK ...

 

Tính đến cuối tháng 4/2014, Hàn Quốc đã có 3.736 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 30,77 tỷ USD; đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam.

 

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 2.261 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ USD. Đứng thứ 2 là kinh doanh bất động sản với 76 dự án với tổng vốn đầu tư 6,67 tỷ USD. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 520 dự án có tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD. Tiếp theo là các lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trí và ăn uống...

 

Nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 49 địa phương trên  cả nước. Trong đó, Hà Nội thu hút đầu tư từ Hàn Quốc nhiều nhất với 775 dự án có tổng vốn đầu tư 4,9 tỷ USD. Đứng thứ hai là Đồng Nai với 292 dự án với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD. Tiếp theo là TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình  Dương, Thái Nguyên...

 

Với Singaporeon>, tính đến hết tháng 4/2014 đã có 1.266 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 30,29 tỷ USD.

 

Singapore đã đầu tư vào 18 trên tổng số 21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ nhất với 400 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11,35 tỷ USD; tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 67 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 9,78 tỷ USD. Lĩnh vực nghệ thuật và giải trí có 12 dự án với vốn đầu tư đăng ký 1,79 tỷ USD. Không kể các dự án dầu khí, đến nay Singapore đã đầu tư vào 44/63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó đứng đầu là TPHCM với 625 dự án với số vốn đầu tư đăng ký đạt 7,2 tỷ USD (chiếm 49% số dự án và 24% tổng vốn đầu tư).

 

Tính đến hết năm 2013, các nhà đầu tư Singapore đã đầu tư hơn 500 dự án, chiếm 10% tổng các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) Việt Nam trong thời gian qua. Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI từ Singapore là 13 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN, KKT; bằng 40% vốn FDI của Singapore vào Việt Nam.

 

Ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư Singaporeon> cũng đã quan tâm và đầu tư vốn vào các dự án phát triển hạ tầng các KCN, KKT. Tính đến nay, có 5 KCN đang hoạt động do các nhà đầu tư Singaporeon> đầu tư, đó là: KCN đô thị VSIP Bắc Ninh; KCN đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng; KCN VSIP I và II Bình Dương; KCN đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.

Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa