Thứ 2, 06/05/2024, 06:02[GMT+7]

Chất thải rắn công nghiệp Cần xử lý triệt để

Thứ 3, 01/07/2014 | 08:23:14
1,169 lượt xem
Sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn (CTR) công nghiệp của các doanh nghiệp thải ra.

Rác thải rắn tại bãi rác tập trung Khu công nghiệp Tiền Hải vẫn chưa được xử lý.

 

Hiện toàn tỉnh có 6 KCN, 29 CCN, trên 240 làng nghề thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, lượng CTR phát sinh trong sản xuất công nghiệp rất lớn. Chỉ với gần 140 doanh nghiệp trong các KCN nhưng hàng tháng các doanh nghiệp này thải ra khoảng 12.000 tấn CTR các loại, trong đó CTR nguy hại chiếm gần 15%. Từ năm 2008 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh CTR  nguy hại lập đăng ký cấp sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, thu gom lưu trữ tạm thời và hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Sở đã cấp 125 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trong đó 49 cơ sở sản xuất trong các KCN. Tuy nhiên việc thu gom, phân loại, xử lý chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Tình trạng các doanh nghiệp giao khoán hợp đồng xử lý rác thải cho các đơn vị đảm nhiệm thiếu sự kiểm tra, giám sát. Các đơn vị thu gom chất thải từ nhà máy, xí nghiệp về phân loại, những chất có thể tái chế được thì tận dụng, còn chất thải độc hại thì thải ra môi trường hoặc bị trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt rồi đem chôn lấp, gây tác hại nghiêm trọng về môi trường. Nhiều doanh nghiệp có lượng chất thải nguy hại phát sinh ít vẫn còn lưu trữ tại cơ sở sản xuất, chưa ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Trong khi đó, các KCN, CCN vẫn chưa bố trí quỹ đất để tập kết CTR công nghiệp. Ðến nay, ngoại trừ KCN Tiền Hải đã đầu tư bãi chôn lấp chất thải công nghiệp, các KCN còn lại không có khu tập trung CTR. Do chưa quy hoạch và thiếu kinh phí đầu tư xây dựng khu xử lý CTR quy mô lớn nên nhiều doanh nghiệp có khối lượng lớn CTR thông thường gặp khó khăn trong việc xử lý.

 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Phòng TN&MT huyện Tiền Hải, trung bình mỗi ngày, các doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải thải ra khoảng 100  tấn rác thải rắn. Mặc dù đã có bãi chứa chất thải rắn rộng 4,6 ha đi vào hoạt động từ cuối năm 2010 do Công ty Môi trường huyện quản lý, đôn đốc các doanh nghiệp tham gia đổ CTR tại bãi rác thải rắn tập trung nhưng lượng CTR được đưa đến đây còn rất ít, nhiều doanh nghiệp vẫn “tiện đâu đổ đấy” khiến cho hầu hết chất thải từ các cơ sở sản xuất trong KCN Tiền Hải đều xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề. Hơn nữa, việc thu gom rác thải rắn tại bãi rác thải tập trung cũng chỉ mới là chỗ chứa rác của các doanh nghiệp. Theo quy định, rác thải rắn sau khi đưa vào bãi rác sẽ được phân loại, xử lý theo đúng quy trình nhưng việc này vẫn còn đang bỏ ngỏ.

 

Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengly Việt Nam, KCN Cầu Nghìn, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đi vào hoạt động từ tháng 7/2009. Hiện, Công ty tạo việc làm cho trên 600 lao động tại địa phương, với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng; đóng góp vào ngân sách của tỉnh mỗi năm khoảng 45 - 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hầu như các CTR phát sinh trong quá trình sản xuất đã không được Công ty thu gom, xử lý triệt để; khu lưu giữ tạm thời CTR chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định đã và đang gây ô nhiễm môi trường cho người dân sống quanh khu vực. UBND tỉnh, Thanh tra Sở TN&MT đã nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu Công ty thu gom, vận chuyển xỉ thải không để tồn đọng trong khuôn viên nhưng Công ty vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Trong những năm tới, lượng CTR tại các KCN, CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhanh theo số lượng doanh nghiệp đến đầu tư. Vì vậy để đạt mục tiêu đến năm 2020 trên 70% chất thải nguy hại công nghiệp được lưu giữ, thu gom, xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường cần tăng cường công tác quản lý CTR, nhất là CTR nguy hại ở các doanh nghiệp từ chủ nguồn thải đến đơn vị thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý. Sở TN&MT  cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những doanh nghiệp không chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ðẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN, CCN và các làng nghề.

                        Minh Nguyệt

  • Từ khóa