Thứ 2, 06/05/2024, 14:15[GMT+7]

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Kiến Xương Tăng trưởng trong gian khó

Thứ 4, 23/07/2014 | 08:42:59
881 lượt xem
Bước vào năm 2014, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) của Kiến Xương vẫn có bước tăng trưởng khá. Nhờ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tìm giải pháp hỗ trợ các làng nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện ước đạt 955,6 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Cơ sở đan ghế nhựa Nguyễn Văn Môn (thôn Quân Hành, xã Bình Nguyên, Kiến Xương) tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Theo đánh giá của UBND huyện, tình hình sản xuất CN - TTCN của huyện bị tác động không nhỏ trước những khó khăn chung của nền kinh tế như giá cả vật tư hàng hóa, đầu vào tăng, nguồn lao động bị phân tán dẫn đến số lao động có trình độ ở các doanh nghiệp trong làng nghề thiếu... Với các biện pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, sản xuất CN - TTCN của huyện có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng khá. Đến nay, toàn huyện có 279 doanh nghiệp, trong đó 190 doanh nghiệp hoạt động tốt, 89 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Đặc biệt, trên 40 doanh nghiệp sản xuất CN - TTCN trong làng nghề vẫn được giữ vững và làm nòng cốt cho các làng nghề phát triển.

Đối với các cụm công nghiệp, huyện tiếp tục triển khai các biện pháp thu hút đầu tư, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án. Hiện tại ở Cụm công nghiệp Vũ Ninh đã thu hút 2 dự án, trong đó Công ty TNHH Sơn Hà đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho 805 lao động với thu nhập bình quân đạt từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng; Công ty Cấp nước sạch Thủy Long đang tập trung nguồn lực xây dựng dự án theo đúng tiến độ. Ở Cụm công nghiệp Vũ Quý đã có 4 dự án đầu tư là Công ty Thủy Dương, Công ty Busadco, Công ty Phúc Kiến và Công ty Hưng Long hiện nay đã đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 333 lao động với thu nhập bình quân từ 3,3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Cụm công nghiệp Thanh Tân được quy hoạch điều chỉnh từ điểm công nghiệp - thương mại dịch vụ đến nay đã thu hút được 3 dự án là Cơ sở sản xuất bao manh, Công ty May Việt Thái, Công ty in may Thủy Chung giải quyết việc làm cho 1.163 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, thời gian qua nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các xã nghề, làng nghề đã cố gắng giữ vững sản xuất, tìm giải pháp và hướng đi thích hợp để tiếp tục mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động, tạo thêm việc làm cho người lao động. Điển hình như Xí nghiệp May Đông Thắng, Công ty May Việt Thái, Công ty Sơn Hà. Ngoài ra, Kiến Xương vẫn duy trì 40 làng nghề, trong đó 36 làng nghề được UBND tỉnh cấp đổi bằng công nhận. Các nghề phát triển mạnh là mây tre đan, chế biến cói, thảm len, thêu hạt cườm, dệt đũi, chạm bạc mang lại thu nhập bình quân từ 1,2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Một số nghề khác cũng khá phát triển như chế biến lương thực thực phẩm, móc câu, sản xuất bao bì, tấm lót xuất khẩu, làm hương, đan mặt ghế nhựa, đan cao su, da giầy. Nổi bật trong phát triển nghề ở Kiến Xương thời gian qua là nghề may công nghiệp đã có sự phát triển mạnh, bền vững. Đến nay toàn huyện có 24 doanh nghiệp, 26 cơ sở sản xuất may công nghiệp, thu hút 5.450 lao động đạt thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều xã đã duy trì phát triển nghề bền vững từ nhiều năm nay, đem lại thu nhập ổn định cho người dân lúc nông nhàn như Hồng Thái, Lê Lợi, Thượng Hiền, Quang Trung, Quang Lịch, Bình Định, Thanh Tân, Vũ Ninh, Vũ Quý, Vũ Trung, Vũ An, Minh Tân và Hồng Tiến. Tuy nhiên, một số làng nghề truyền thống có chiều hướng suy giảm mạnh như Đình Phùng, Vũ Bình, Nam Cao, Quyết Tiến do các sản phẩm không còn phù hợp với thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng.

Để phấn đấu giá trị sản xuất CN - TTCN năm 2014 đạt 2.159 tỷ đồng, thời gian tới Kiến Xương tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp. Duy trì và phát triển bền vững các làng nghề hiện có, trong đó chú trọng xây dựng dự án bảo tồn và phát triển làng nghề chạm bạc Đồng Xâm xã Hồng Thái. Tăng cường xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm nghề, làng nghề gắn với du lịch sinh thái làng nghề.

Thu Thủy

  • Từ khóa