Thứ 6, 03/05/2024, 16:46[GMT+7]

Thị trấn Hưng Nhân Hành trình đi lên công nghiệp hóa

Thứ 3, 19/08/2014 | 08:53:18
669 lượt xem
Trong suốt chiều dài lịch sử, người dân thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) đã xây dựng một nền kinh tế đa dạng, phong phú với nhiều thế mạnh vượt trội. Với 16 thôn, làng, khu phố, trên 15.000 nhân khẩu, đến nay thị trấn Hưng Nhân đã trở thành thị trấn trẻ đầy năng động với những bước đi đột phá trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ðiều đó đã được thể hiện ngay trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc để rồi trở thành một trong hai xã, thị trấn nghề đầu t

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên (làng Tiền Phong, thị trấn Hưng Nhân) duy trì 4 máy dệt, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Từ xa xưa, nhân dân thị trấn Hưng Nhân đã biết đoàn kết, giữ làng, giữ nước, ghi vào trang sử hào hùng của quê hương những dấu ấn đậm nét. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Ðảng bộ và nhân dân thị trấn vẫn giữ vững các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt duy trì nghề trồng đay phụ trợ cho phát triển nghề dệt chiếu. Những năm trước Cách mạng tháng Tám, trên mảnh đất Hưng Nhân đã xuất hiện nghề thủ công như dệt chiếu, đan mành, bện võng. Các sản phẩm thủ công dần dần đã có mặt ở hầu hết các địa phương miền Bắc. Trong giai đoạn 1954 - 1965, nghề tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được phổ biến trong các gia đình, hợp tác xã với khoảng 70% số hộ tham gia. Tới thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân thị trấn đã dồn sức vào sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, trong đó các nghề truyền thống mang lại nguồn thu lớn.

Trải qua một thời gian dài phát triển, tới tháng 10/1976 thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Hưng Hà về đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp với tốc độ nhanh, người dân thị trấn đã nhận nguyên liệu về làm rồi nộp sản phẩm cho hợp tác xã; đặc biệt, hợp tác xã đã sản xuất được một số mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật cao và tay nghề giỏi như thảm đay, thảm len. Từ đó đã hình thành 2 xưởng dệt thảm ở thôn Vân Nam và thôn Văn với khoảng 200 khung dệt, thu hút hàng trăm lao động.

Trong bối cảnh đất chật, người đông, đồng ruộng ít, sản xuất nông nghiệp không phải là thế mạnh nên ngay khi bước vào thời kỳ đổi mới, Hưng Nhân đã xác định lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục là trọng tâm. Thị trấn đã nhanh chóng triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện khóa XIII về 4 mũi nhọn đột phá tăng trưởng kinh tế, trong đó trọng tâm là phát triển nghề và làng nghề. Theo đó, đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng giúp mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nghề và làng nghề. Thị trấn đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện xuống cơ sở; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm máy móc, công nghệ tiên tiến, cải tiến mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu mang đặc trưng của mỗi làng nghề.

Bên cạnh đó, thị trấn cũng luôn tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn, mở rộng mặt bằng sản xuất, phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới. Do đó, tổng giá trị thu nhập từ ngành nghề giai đoạn 1996 - 2000 đạt gần 19 tỷ đồng, chiếm 41% cơ cấu kinh tế, tăng 13% so với năm 1995, thu hút 4.573 lao động làm nghề. Từ đây nghề và làng nghề ở thị trấn không ngừng phát triển, chuyển sang sản xuất theo tổ hợp, hợp tác liên doanh, thu hút 6.300 lao động tham gia. Kết quả tổng giá trị thu nhập từ nghề bình quân giai đoạn này đạt 30,2 tỷ đồng, chiếm 42,8% cơ cấu kinh tế. Tới năm 2008, thị trấn Hưng Nhân đã được UBND tỉnh công nhận là thị trấn nghề với 12 làng nghề và đến nay là 13 làng nghề với trên 70% số hộ tham gia, thu nhập bình quân đạt 2 triệu đồng/người/tháng.

Ðặc thù ở Hưng Nhân là phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề, từ dệt chiếu, dệt khăn đến làm bún bánh, đan mành, may mặc... nên đã thu hút được các thành phần lao động tham gia. Thời gian qua, cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm. Thị trấn hiện có 234 máy dệt khăn, 43 máy dệt chiếu, 121 khung dệt chiếu, trong đó riêng năm 2013 đã có 2 cơ sở sản xuất đầu tư 14 máy dệt chiếu nilon cho doanh thu từ 4 - 8 tỷ đồng, đó là cơ sở dệt chiếu Trần Văn Toản (thôn Kiều Thanh) và Nguyễn Văn Xanh (thôn Vân Nam). Ðặc biệt, làng nghề dệt khăn Tiền Phong luôn là làng nghề phát triển mạnh nhất ở Hưng Nhân từ hàng chục năm nay, hiện có 127/137 hộ tham gia làm nghề, đạt tỷ lệ gần 93%; giá trị sản xuất từ nghề bình quân hàng năm đạt gần 20 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất từ nghề đạt gần 21 tỷ đồng, chiếm 90% tổng giá trị sản xuất của làng.

Từ năm 2010 đến nay, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thị trấn Hưng Nhân chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế với tổng giá trị sản xuất đạt trên 200 tỷ đồng. Sự phát triển đó đã đưa đời sống người dân thị trấn ngày càng tăng cao, hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 70%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,34%.

Thu Thủy

  • Từ khóa