Thứ 3, 23/07/2024, 11:29[GMT+7]

Hưng Hà - Thái Bình Vẫn là điểm sáng về phát triển nghề và làng nghề

Thứ 5, 28/10/2010 | 14:51:17
5,177 lượt xem
Đến tháng 10 - 2010 huyện Hưng Hà đã khôi phục, phát triển được 72 làng và 49 nghề. 45 làng và 2 xã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Đây là huyện có nhiều làng nghề nhất tỉnh và vẫn là điểm sáng suốt 10 năm qua (kể từ khi có Nghị quyết 01 của tỉnh uỷ Thái Bình 2010).

Hưng Hà đang trên đà phát triển, góp phần vào việc đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia SXCN - TTCN.

Nét nổi bật về khôi phục và phát triển nghề, làng nghề ở Hưng Hà là kết quả qui hoạch, phát triển nghề thành vùng sản xuất hàng hoá đáp ứng được sự cạnh tranh thị trường trong nước và hội nhập. Toàn huyện đã hình thành 5 vùng sản xuất lớn.

Vùng dệt, chủ yếu là dệt khăn xuất khẩu, phát triển từ nghề dệt cổ truyền ở làng Mẹo (thôn Phương La, xã Thái Phương) có từ thế kỷ 13 khi Vương Triều Trần được thiết lập, lấy đất Long Hưng (nay là Hưng Hà) làm hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông. Từ làng Phương La, sau 10 năm (2001 - 2010), Hưng Hà đã nhân ra 26 xã của huyện, với 4.675 máy dệt cải tiến, giải quyết việc làm cho 12.000 lao động.

Mỗi năm nghề dệt đã làm ra giá trị sản xuất khoảng 573 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), chiếm 47% tổng GTSXCN - TTCN của huyện. Nghề mộc của Hưng Hà cũng nổi tiếng khá sớm, với sản phẩm "Giường hòm". Tồn tại với thời gian, nghề mộc Hưng Hà cũng hình thành các khu vực sản xuất, với sản phẩm tinh xảo hơn, không thể phân biệt đâu là giường tủ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Vụ Bản (Nam Định) với sản phẩm của Hưng Hà. Điển hình là nghề mộc làng Vế xã Canh Tân, thu hút gần 78% lao động của làng. Nghề mộc làng Riệc xã Tân Hoà, thu hút 63,2% số lao động của làng.

Nghề dệt đang phát triển ở xã Minh Tân ( Hưng Hà)

Do kết hợp giữa lao động thủ công với lao động cơ giới (máy cưa, máy xẻ, máy đục, máy bào…) nên sản phẩm của các làng mộc Hưng Hà nhiều cũng trải rộng, đan xen với sản phẩm các làng mộc nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Nghề dệt chiếu ở Hưng Hà có từ thế kỷ 15 do trạng nguyên Phạm Đôn Lễ đưa về (nay được nhân dân xã Tân Lễ xây dựng đền thờ - đền Trạng Chiếu).

Tân Lễ và thị trấn Hưng Nhân là trung tâm của nghề dệt chiếu, mỗi năm sản xuất được 8 triệu đến 9 triệu lá chiếu các loại, đưa lại GTSX không nhỏ (251 tỷ đồng/năm). Nghề chiếu cũng đang được cơ giới hoá. Hiện tại, Hưng Hà có 100 hộ đầu tư mua máy dệt chiếu tự động. Chiếu Hưng Hà đang chiếm 75-80% thị phần khu vực đồng bằng sông Hồng…

Nghề làm chiếu cũng đang được cơ giới hóa ở Hưng Hà

Hưng Hà còn nhiều nghề và làng nghề nổi tiếng khác như làm hương thờ cúng ở Duyên Hải, dệt mành tre ở làng Tây Xuyên; làm bún bánh ở xã Tân Hoà. Nghề dệt khăn phát triển đã tạo ra nghề viền khăn, với 7.200 máy may và thu hút 8.120 lao động. Hưởng ứng phong trào phát triển nghề, Hưng Hà xuất hiện nhiều nhân tố mới như ông Biển ở xã Văn Cẩm, tự bỏ tiền đi học và đầu tư đưa nghề dệt lưới nilon về quê hương. Nay lại có thêm một người khác học và đầu tư, đưa Văn Cẩm thành vùng nghề dệt lưới nilon phục vụ nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản và kinh tế biển.

Nghề mây tre đan trước chỉ có ở Kiến Xương, Thái Thuỵ, thì nay Hưng Hà đã tiếp thu và nhân ra 4 thôn: Tân Tiến (Chi Lăng); Ngọc Liễn (Văn Cẩm); Mỹ Thịnh (Tây Đô); An Cầu (Cộng Hoà) và rải rác ở các xã, thu hút hàng ngàn lao động. Bốn thôn nêu trên cũng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Nghề, làng nghề phát triển không chỉ góp phần cho Hưng Hà trở thành một trong số huyện có GTSX CN - TTCN cao nhất tỉnh, còn giúp huyện tạo việc làm cho 126.000 người. Ngoài kết quả về KT-XH, nghề và làng nghề Hưng Hà đã góp phần vào việc đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia SXCN - TTCN. Sau thành công từ cơ sở sản xuất thành doanh nghiệp như Hương Sen, Bình Minh, Nam Long, Hồng Quân…

Ngày nay, nhiều chủ doanh nghiệp đi lên từ làng nghề của Hưng Hà như công ty dệt Toàn Thắng, dệt Thăng Long, dệt Hưng Thịnh, công ty Thái Việt… Toàn huyện đã có hàng chục doanh nghiệp phát triển từ làng nghề. Chính họ cũng đang là "bà đỡ" để cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề sản xuất ổn định, phát triển và đóng góp ngân sách cho nhà nước. Doanh nghiệp làng nghề ra đời phát triển, đã xuất hiện nhu cầu xây dựng qui hoạch cụm, điểm CN.

Thời gian qua, Hưng Hà đã hình thành 3 cụm CN, gồm: cụm CN Phương La, Đồng Tu, thị trấn Hưng Nhân và nhiều điểm CN khác, góp phần cho huyện đẩy mạnh qui hoạch, xây dựng nông thôn mới. Cụm CN Đồng Tu đã cơ bản lấp đầy nhà đầu tư.

Hưng Hà đặt ra mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu đưa GTSX CN-TTCN đạt 3.867 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng bình quân từ 18-20%/năm. Cùng với việc chú trọng phát triển doanh nghiệp sản xuất tập trung, Hưng Hà tiếp tục quan tâm phát triển nghề và làng nghề. Phấn đấu 5 năm có thêm 15 làng và 3 xã nghề được UBND tỉnh công nhận, tạo việc làm mỗi năm 3.000 - 3.500 lao động trong các làng nghề.

Hưng Hà sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Đó là tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết 01 (6-5-2001) của tỉnh uỷ. Đồng thời tập trung khắc phục những tồn tại về ô nhiễm làng nghề; khắc phục mặt yếu về công tác đào tạo; khắc phục tồn tại về thông tin thị trường. Tiếp đó là các giải pháp gắn phát triển làng nghề với du lịch lễ hội văn hoá, lễ hội tâm linh. Đẩy nhanh tiến độ XDCS hạ tầng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới để làng nghề phát triển ổn định, vững chắc.

Từ trong Đảng đến các đoàn thể đẩy mạnh hoạt động thực hiện cuộc vận động "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bằng việc xây dựng các chương trình hành động cụ thể về phát triển nghề và làng nghề.

Hoàng Duy 

 

  • Từ khóa