Thứ 6, 29/03/2024, 06:42[GMT+7]

Kiến Xương Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

Thứ 3, 07/10/2014 | 08:30:40
795 lượt xem
Sự phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong những năm qua đã đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Kiến Xương. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề đã vượt qua khó khăn, đứng vững trong cơ chế thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng vạn lao động địa phương. Có được kết quả đó là do huyện đã thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất, kinh doanh, nghề và làng nghề phát tr

Nghề đóng gói bông xuất khẩu ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương) tạo việc làm cho hàng chục lao động.

 

 

Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư được Kiến Xương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện. Hàng năm huyện đều ưu tiên bố trí ngân sách, tạo vốn xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp và dạy nghề cho người lao động theo các hình thức đào tạo, bồi dưỡng tập trung và truyền nghề tại cơ sở; động viên các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách và truyền thống văn hóa của địa phương; tích cực tham gia xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nhân là con em địa phương đầu tư về địa bàn. Ngoài ra huyện còn tập trung phát triển ngành, nghề, duy trì nghề truyền thống và du nhập nghề mới.

 

Tuy nhiên, Kiến Xương cũng gặp không ít khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh do không có điều kiện thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Tới nay huyện mới quy hoạch chi tiết được 3 cụm công nghiệp (CCN), thu hút được 9 doanh nghiệp đầu tư và đã đi vào sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động. CCN Vũ Quý đã quy hoạch 128.500m2, trong đó diện tích đất công nghiệp 76.000m2, thu hút được 4 doanh nghiệp đi vào hoạt động là Công ty TNHH Thủy Dương, Công ty Busadco, Công ty Phúc Kiến, Công ty Hưng Long, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 93% diện tích. CCN Vũ Ninh đã quy hoạch 407.000m2, trong đó diện tích đất công nghiệp 343.000m2, thu hút được 2 dự án đầu của Công ty TNHH Sơn Hà và Công ty Cấp nước Thủy Long, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 30% diện tích. Còn CCN Thanh Tân đã quy hoạch 122.000m2, trong đó diện tích đất công nghiệp gần 86.000m2, thu hút được 3 doanh nghiệp vào đầu tư trên diện tích gần 32.000m2.

 

Ðể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các CCN trên địa bàn, thời gian qua Kiến Xương đã nỗ lực thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư về thuê đất, đào tạo nguồn nhân lực, thuế. Tới nay đã có 8 dự án được ưu đãi thuê đất với diện tích trên 244.000m2; 2 dự án được hỗ trợ san lấp mặt bằng là dự án xây dựng xưởng chế biến lương thực, kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng (CCN Vũ Quý) với diện tích 21.864m2, số tiền hỗ trợ 1,6 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy may của Công ty May Việt Thái (CCN Thanh Tân) với diện tích 21.569m2, số tiền hỗ trợ 431 triệu đồng. Từ năm 2010 đến nay đã có hơn 1.000 lao động được hỗ trợ học nghề với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. 3 dự án được ưu đãi về thuế là dự án xây dựng nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, dự án xây dựng nhà máy may của Công ty May Việt Thái và Dự án cấp nước sạch Thủy Long.

 

Nhìn chung, các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN đều hoạt động tương đối tốt, tích cực đổi mới dây chuyền công nghệ, tạo việc làm cho nhiều lao động (Công ty May Việt Thái đã xây dựng và đưa vào hoạt động dây chuyền 2 tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động). Ngoài ra, các doanh nghiệp, dự án nằm ngoài CCN cũng tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ðiển hình như Công ty May Hanul và Xí nghiệp May Ðông Thắng tại thị trấn Thanh Nê đã duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Kiến Xương còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề và làng nghề. Ðến nay, toàn huyện có 29/39 làng nghề giữ vững được 3 tiêu chí về số hộ, số lao động và giá trị sản xuất; có 9.965 cơ sở và hộ gia đình tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho gần 30.000 lao động. Một số nghề truyền thống đem lại hiệu quả kinh tế cao đang tiếp tục được nhân rộng như nghề chạm bạc ở Lê Lợi, Hồng Thái, sản xuất mây tre đan, đệm ghế cói ở Thượng Hiền, làng nghề xây dựng xã Vũ An...

 

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp Kiến Xương giai đoạn 2010 - 2013 đạt 5.735,8 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ năm 2010 đến nay, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm từ 39,9% xuống còn 34,5%, tỷ trọng sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng từ 40,7% lên 42,6% và thương mại, dịch vụ tăng từ 19,7% lên 22,9%. Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng tăng nhanh số lượng lao động làm công nghiệp, giảm tỷ lệ lao động làm nông nghiệp.

  Thu Thủy

 

  • Từ khóa