Thứ 6, 29/03/2024, 06:10[GMT+7]

Nguyên Xá Phát triển nghề sản xuất bánh cáy

Thứ 3, 14/10/2014 | 08:31:38
4,617 lượt xem
Trải qua bao biến động của lịch sử, sản phẩm bánh cáy vẫn được lưu truyền, tồn tại, phát triển, trở thành sản phẩm đặc trưng của người dân Nguyên Xá.

Bánh cáy - sản phẩm truyền thống của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng).

Cũng như bao làng quê khác của đồng bằng sông Hồng, làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, Đông Hưng) trước đây gắn bó với nghề trồng lúa nước. Từ những hương liệu đồng quê như thóc, gạo, lạc, gừng... những con người tài hoa nơi đây đã làm lên một sản phẩm nổi tiếng, đó là bánh cáy. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại thì bánh cáy làng Nguyễn đã có cách đây hơn 200 năm. Đến nay, các di tích lưu niệm nhân vật lịch sử của nghề làm bánh cáy vẫn được người dân trong xã giữ gìn và tôn thờ. Trải qua bao biến động của lịch sử, sản phẩm bánh cáy vẫn được lưu truyền, tồn tại, phát triển, trở thành sản phẩm đặc trưng của người dân Nguyên Xá.

Nguyên liệu làm bánh cáy là loại gạo nếp cái hoa vàng, xay xát thật trắng, rang nổ thật đều. Trong bánh phải trộn thêm thịt lợn thái nhỏ bằng hạt ngô, hạt đỗ, lại lấy một phần bột nếp tán nhuyễn, ray lọc thật mịn, tẩm nước gừng tươi, bột thảo quả... một số hòa với ruột gấc, một số hòa với bột dành dành, nhào thành bột màu đỏ hoặc vàng thư, cho thái chì gọi là con nả. Dùng nước đường mật đã lọc kỹ, pha nước gừng tươi, dầu thảo quả, trộn bột nẻ, con nẻ, con nả, thính lạc rang, thịt thái nhỏ thật đều, đưa vào khuôn ép thành từng thước hoặc nửa thước theo khối hình trụ hoặc chữ nhật. Sau đó lấy giấy hồng điều phong gói, nếu dùng việc hỷ dán chữ “song hỷ”, dâng tế lễ dùng chữ “thọ”, chữ “phúc”. Những kỹ thuật làm bánh cổ truyền kết hợp với bí quyết riêng của từng gia đình, người làng Nguyễn đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong cả nước.

Trải qua nhiều năm tháng, các hộ dân làng Nguyễn đã đổi mới công nghệ làm bánh, chú trọng tới chất lượng sản phẩm, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại thay thế một số công đoạn làm thủ công trước đây. Đến nay, toàn xã có khoảng 1.500 hộ làm nghề, số lao động làm bánh cáy chiếm trên 70% tổng số lao động trong toàn xã; có trên 50 cơ sở lớn làm quanh năm tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông Nguyễn Trọng Chiến là một trong những hộ có truyền thống làm bánh gia truyền ở thôn Bắc Lạng cho chúng tôi biết: Từ nhỏ tôi đã thấy cha ông làm nghề này, sau khi lập gia đình riêng chúng tôi đã coi đó là nghề không thể thiếu trong cuộc sống gia đình. Từ làm thô sơ đến khi đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, nghề làm bánh cáy đã là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Đến nay, bình quân mỗi tháng gia đình sản xuất gần 1 tấn bánh kẹo, trong đó sản lượng bánh cáy đạt từ 3.000 - 4.000 hộp, tương đương từ 4 - 5 tạ bánh, xuất ra các đại lý ở trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng. Đối với người làng Nguyễn, gần như 3 tháng tết làm bằng cả năm bởi dịp tết là dịp bán chạy hàng nhất.

Tuy nhiên, để bánh đạt chất lượng, có thương hiệu trên thị trường thì mỗi gia đình lại có cách pha chế, cách nấu và chọn nguyên liệu khác nhau. Tới cơ sở sản xuất bánh cáy Hoàng Thắng chúng tôi được biết thêm: Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất lớn ở làng Nguyễn đều đầu tư hàng trăm triệu đồng  mua máy móc hiện đại vào sản xuất như máy cán kẹo, máy cắt, máy xay, máy đảo bánh, máy đóng gói, lò điện. Nhà nào cũng có xưởng sản xuất với dây chuyền khép kín, giảm được khá nhiều nhân công so với trước kia. Do đó chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng được nâng lên, doanh thu hàng năm mỗi gia đình cũng đạt hàng trăm triệu đồng. Bình quân mỗi tháng, cơ sở bánh cáy Hoàng Thắng sản xuất được 7 - 8 tạ bánh, xuất cho 40 đại lý ở trong tỉnh, doanh thu mỗi năm đạt từ 400 - 500 triệu đồng.

Nhờ phát triển nghề làm bánh cáy truyền thống, Nguyên Xá đã trở thành một trong những xã đi đầu về phát triển kinh tế của huyện Đông Hưng. Đến nay giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ của xã chiếm trên 80% cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 80%.

Thu Thủy

  • Từ khóa