Thứ 5, 28/03/2024, 23:14[GMT+7]

Công nghiệp Tiền Hải Tăng trưởng ổn định

Thứ 2, 27/10/2014 | 08:13:23
1,136 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn song sản xuất công nghiệp của huyện Tiền Hải tiếp tục có bước phát triển khá. 9 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện ước đạt 2.333 tỷ đồng, bằng 64,3% so với kế hoạch, tăng 11,41% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (Tiền Hải) sản xuất hàng trăm loại mũ xuất khẩu.

 

Thời gian qua, Tiền Hải đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện phát triển. Ðiển hình nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho Dự án thu gom và phân phối khí từ ngoài khơi bể Sông Hồng vào bờ diễn ra đúng kế hoạch. Tiếp tục đôn đốc hoàn tất cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông từ Khu công nghiệp Tiền Hải đi Kiến Xương, đồng thời rà soát, nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn toàn huyện.

 

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong huyện từ đầu năm tới nay đã chịu tác động không nhỏ trước những khó khăn chung của nền kinh tế. Giá thành các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất vẫn liên tục tăng, trong khi sức mua giảm đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp. Ðặc biệt, nhu cầu xây dựng có xu hướng chững lại nên sức tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng ở Tiền Hải cũng chậm theo. Ngoài ra còn một số ảnh hưởng khác tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp như nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, hệ thống giao thông còn nhiều bất cập. Tuy vậy, bước sang quý III, các sản phẩm vật liệu xây dựng trong toàn huyện đã có dấu hiệu tăng nhẹ. Các mặt hàng xuất khẩu ở thời điểm này cũng tăng, nhất là sản phẩm sứ, gạch ốp lát tường ở Nhà máy Gạch men Mikado, Công ty Gạch ốp lát Thái Bình, Nhà máy Gạch Viglacera...

 

Ðối với mặt hàng sứ, các doanh nghiệp vừa đẩy mạnh sản xuất sứ dân dụng vừa sản xuất sứ mỹ nghệ nên vẫn chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ nội địa từ Bắc vào Nam và tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2013. Các doanh nghiệp sản xuất gạch lát nền, ốp tường, sản xuất hàng sứ, thủy tinh pha lê tiếp tục đạt doanh thu cao, điển hình như Nhà máy Gạch men Mikado 345 tỷ đồng, Nhà máy Gạch Viglacera 183 tỷ đồng, Tập đoàn Ðại Cường 312 tỷ đồng, Công ty Sứ Hảo Cảnh 97 tỷ đồng, Công ty Sứ Ðông Lâm 27 tỷ đồng, Công ty Gạch ốp lát Thái Bình 88 tỷ đồng... Nhìn chung trong 9 tháng đầu năm, 74 doanh nghiệp toàn huyện vẫn hoạt động tương đối ổn định. Tổng giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm của khối doanh nghiệp ước đạt 2.139 tỷ đồng, chiếm trên 91% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện. Ðặc biệt, Khu công nghiệp Tiền Hải tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, chủ đạo trong sản xuất công nghiệp với 39 doanh nghiệp hoạt động khá, chiếm khoảng 75% giá trị sản xuất trong khối doanh nghiệp toàn huyện.

 

Ngành may công nghiệp ở Tiền Hải tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Ngoài hàng chục cơ sở may trên địa bàn, Tiền Hải vẫn duy trì 3 công ty may lớn, trong đó Công ty May xuất khẩu Thái Bình từ 300 công nhân trong 6 tháng đầu năm đến tháng 9 tăng lên 500 công nhân, dự kiến tới cuối năm sẽ tăng thêm 400 công nhân. Có thêm 2 dự án đầu tư mới trong khu công nghiệp đang khởi công san lấp mặt bằng xây dựng nhà xưởng là Nhà máy Gạch Granit và Công ty Sứ Ðông Hải.

 

Ở Cụm công nghiệp Cửa Lân, Công ty TNHH Nghêu Thái Bình cũng đầu tư xây dựng thêm dây chuyền chế biến ngao xuất khẩu với số vốn 25 tỷ đồng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước Ðức, Tây Ban Nha, Mỹ, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trung bình mỗi tháng Công ty xuất khoảng 15 container tương đương với gần 400 tấn nghêu. Ðây là một trong những công ty thu mua, đóng gói, chế biến xuất khẩu hàng hải sản lớn của tỉnh với doanh thu hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng.

 

Từ đầu năm đến nay, hoạt động làng nghề ở Tiền Hải nhìn chung vẫn duy trì phát triển tương đối ổn định với 27 làng nghề, trong đó 15 làng nghề hoạt động tốt góp phần đưa giá trị sản xuất từ nghề đạt cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong lúc nông nhàn với bình quân đạt từ 1 - 2 triệu đồng/người/tháng. Ðiển hình nhất trong các làng nghề ở Tiền Hải phải kể tới làng nghề xã Tây An có hai doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương với thu nhập bình quân từ 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng là Doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An và Doanh nghiệp Phương Anh. Nghề làm nón ở Nam Hà tuy đem lại thu nhập cho người lao động không cao, trung bình chỉ khoảng 1 triệu đồng/người/tháng nhưng đây lại là mặt hàng truyền thống có đầu mối tiêu thụ trong cả nước, đầu ra của sản phẩm không quá khó, người dân làm nghề tại nhà nên vẫn thu hút được lực lượng lao động lớn trong lúc nông nhàn tham gia. Do đó, nghề làm nón lá không chỉ được duy trì, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động trong xã mà còn thu hút được gần 2.000 lao động ở các xã lân cận như Nam Hồng, Nam Hải, Bắc Hải tham gia. Ðặc biệt, ở một số làng nghề suy giảm hoặc hoạt động cầm chừng thì thu nhập của người dân trong làng nghề vẫn tăng cao do người lao động đã chuyển vào các công ty trong xã để làm. Sự phát triển trên đã đưa giá trị sản xuất từ nghề trong 9 tháng đầu năm 2014 của Tiền Hải đạt 194 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2013.

 

3 tháng cuối năm 2014, Tiền Hải tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn khuyến công, tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án trọng điểm của huyện hoàn thành đưa vào sử dụng sớm. Huyện phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2014 đạt 3.629 tỷ đồng.

 Thu Thủy  

 

  • Từ khóa