Thứ 5, 25/04/2024, 15:09[GMT+7]

Tháo gỡ khó khăn cho làng nghề dệt khăn Tiền Phong

Thứ 3, 18/11/2014 | 08:12:48
1,641 lượt xem
Những năm gần đây, người dân làng nghề dệt khăn Tiền Phong, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà không ngừng đầu tư máy móc, nhà xưởng mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh phát triển làng nghề thì hiện nay Tiền Phong đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là tình trạng thiếu mặt bằng.

Nghề dệt khăn ở làng nghề Tiền Phong (thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà).

 

Nghề dệt khăn ở làng nghề Tiền Phong có từ những năm 1960. Trải qua hơn nửa thế kỷ, nghề dệt khăn ở Tiền Phong luôn được duy trì và phát triển. Hiện nay, làng nghề Tiền Phong có 137 hộ gia đình thì có tới 127 hộ làm nghề dệt khăn, chiếm tỷ lệ 92,7% với tổng số 220 máy dệt bán công nghiệp. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là các mặt hàng khăn bông cao cấp xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Những năm gần đây, giá trị sản xuất của làng nghề dệt khăn Tiền Phong luôn đạt trên 20 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho hơn 700 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động sản xuất của làng nghề đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu mặt bằng.

 

Anh Trần Xuân Vương cho biết, hiện gia đình anh có 2 máy dệt khăn bán công nghiệp, trung bình một tháng sản xuất được 20.000 sản phẩm; diện tích dành cho sản xuất của gia đình hiện chỉ hơn 30m2 nên chỉ đủ để kê 2 máy dệt và một số vật dụng làm nghề khác. Không có nhiều diện tích nên gia đình anh Vương còn tận dụng cả căn nhà ở làm kho để nguyên liệu và sản phẩm. Ngoài những hộ gia đình sản xuất cá thể thì trên địa bàn làng nghề Tiền Phong còn có một số công ty dệt khăn như Công ty TNHH Dệt Minh Quân, Công ty Dệt Thanh Vân. Hoạt động ổn định trong nhiều năm qua, Công ty TNHH Dệt Minh Quân hiện thu hút 40 lao động trực tiếp và 60 lao động vệ tinh với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, do nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nên Công ty rất cần đầu tư và xây dựng thêm một xưởng sản xuất khoảng 1.000m2.

 

Không chỉ thiếu mặt bằng sản xuất, làng nghề Tiền Phong còn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ những chiếc máy dệt của các hộ sản xuất, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông của làng nghề Tiền Phong nhỏ, hẹp, đang xuống cấp cũng là yếu tố cản trở hoạt động sản xuất.

 

Ðể hiểu thêm về những khó khăn làng nghề Tiền Phong đang gặp phải, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Cống, nguyên Bí thư Chi bộ làng nghề Tiền Phong. Ông Cống cho biết: Mặc dù làng nghề Tiền Phong phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng hiện nay tỉnh và huyện Hưng Hà đã và đang thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho làng nghề. Ðầu tháng 8 năm nay, làng nghề Tiền Phong được vinh dự đón đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy về kiểm tra tình hình sản xuất. Sau khi nghe lãnh đạo thị trấn, thôn báo cáo tình hình sản xuất cũng như những khó khăn vướng mắc của làng nghề, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao hiệu quả sản xuất của làng nghề trong những năm qua, đồng thời ghi nhận kiến nghị về tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, hệ thống đường giao thông xuống cấp, ô nhiễm môi trường, hỗ trợ vốn đầu tư cho sản xuất. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao các sở, ngành của tỉnh phối hợp với huyện Hưng Hà xem xét giải quyết, tạo điều kiện để làng nghề Tiền Phong phát triển bền vững. Ông Nguyễn Bá Phong, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Hưng Hà cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo lập quy hoạch tổng thể Cụm công nghiệp làng nghề Tiền Phong có diện tích khoảng 30 - 40ha. Sau khi lập quy hoạch tổng thể xong sẽ tiến hành lập quy hoạch chi tiết và xây dựng cơ sở hạ tầng.

 

Cụm công nghiệp làng nghề Tiền Phong được thành lập sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, qua đó tạo bước đột phá trong thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thị trấn Hưng Nhân nói riêng và huyện Hưng Hà nói chung. Ngoài ra, Cụm công nghiệp làng nghề Tiền Phong sẽ thu hút được các cơ sở sản xuất của nhiều hộ gia đình, công ty dệt khăn của làng nghề Tiền Phong đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Ðây là biện pháp giải quyết tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường của làng nghề Tiền Phong, qua đó tạo điều kiện để làng nghề dệt khăn Tiền Phong phát triển bền vững.

Trần Tuấn 

 

  • Từ khóa