Thứ 7, 27/04/2024, 09:30[GMT+7]

Giải pháp để ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng bền vững

Thứ 5, 20/11/2014 | 08:13:23
745 lượt xem
Những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ. Ðến năm 2013, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm còn 31,8%, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 34,76%, thương mại dịch vụ chiếm 33,44%. Dự kiến tới năm 2015 ngành công nghiệp chiếm 35,5% và tới năm 2020 là 45% trong cơ cấu kinh tế. Ðây là xu hướng chuyển dịch tiến bộ, phản ánh nền kinh tế của tỉnh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hi

Nghề mây tre đan góp phần phát triển kinh tế ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương).

 

Thực tế cho thấy, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và chuyển từ các ngành gia công, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp sang phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, giá trị sản phẩm cao và đóng góp nhiều cho ngân sách. Nhiều năm nay, ngành công nghiệp chế biến luôn là ngành chủ lực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh, chiếm tỷ trọng tới 98%, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống, sản xuất thép, cơ khí, điện tử, viễn thông, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp. Trong đó đã xuất hiện một số dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ cao, sản phẩm mới đóng góp lớn vào sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ðiển hình như Nhà máy sản xuất đồ gia dụng của Công ty TNHH Công nghiệp ngũ kim TAI LiAN, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Dự án sản xuất thiết bị dây dẫn trong ô tô của Công ty YAZAKY.

 

Toàn tỉnh đã hình thành được 6 khu công nghiệp tập trung và 31 cụm công nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả, trong đó thành phố Thái Bình dẫn đầu tỉnh về phát triển công nghiệp, chiếm 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp dịch vụ của tỉnh. Hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thủy hải sản, đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, hướng về xuất khẩu. Ðiển hình như Nhà máy đóng tàu Diêm Ðiền có vốn đầu tư 531 tỷ đồng, Nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu Ðại Dương vốn đầu tư 680 tỷ đồng, Trung tâm Ðiện lực Thái Bình vốn đầu tư 37.800 tỷ đồng...

 

Ðể có được kết quả trên, thời gian qua tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới năm 2020 vào 5 nhóm ngành hàng cụ thể. Theo đó, ngành may sẽ tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển từ hình thức gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm để tăng giá trị xuất khẩu.

 

Phấn đấu tới năm 2020 tỉnh ta sẽ có trung tâm thiết kế mẫu, hình thành và hỗ trợ phát triển trung tâm nguyên, phụ liệu ngành may. Từng bước hình thành công nghiệp hỗ trợ sản xuất phụ kiện cho sản phẩm may để chủ động trong việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng chuyên ngành. Ðối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử sẽ tập trung thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp chi tiết, linh kiện điện tử chuyên dụng xuất khẩu, sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp.

 

Từ năm 2016 - 2020 sẽ thu hút một số dự án sản xuất hàng điện tử công nghệ kỹ thuật số từ các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðức, Mỹ sản xuất các sản phẩm bán dẫn, màn hình LCD, điện thoại di động, máy in, máy ảnh để tăng kim ngạch xuất khẩu. Ðối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sẽ củng cố, phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khuyến khích đầu tư trang thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm tinh xảo góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong các làng nghề...

 

Ðể đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên và dành quỹ đất cho các dự án sản phẩm công nghiệp chủ lực, thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng, vốn vay tín dụng, đào tạo nghề. Tạo điều kiện và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, hợp tác với tỉnh, phát triển vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, cơ sở chế biến. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, coi đây là giải pháp quan trọng để duy trì và nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường ở khu vực thành phố Thái Bình. Hai huyện ven biển tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp đóng tàu, chế biến thủy hải sản, mặt hàng thủy tinh, sứ, gạch ốp lát...

                          Thu Thủy

 

 

  • Từ khóa