Thứ 5, 09/05/2024, 01:05[GMT+7]

Vũ Ninh Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thứ 3, 16/12/2014 | 08:11:53
978 lượt xem
Những năm gần đây, cùng với duy trì ổn định hoạt động sản xuất của nghề truyền thống, xã Vũ Ninh (Kiến Xương) còn thu hút được một số dự án đầu tư, qua đó tạo việc làm thường xuyên cho hơn 3.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều gia đình ở làng nghề Ðại Ðồng (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) vươn lên làm giàu từ nghề mộc.

 

Về làng nghề Ðại Ðồng (xã Vũ Ninh), âm thanh đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được là tiếng máy xẻ gỗ chạy liên hồi, tiếng đục gỗ lạch cạch phát ra từ các cơ sở sản xuất, tất cả tạo nên một bầu không khí lao động sản xuất nhộn nhịp. Làng Ðại Ðồng có truyền thống làm nghề mộc từ nhiều đời nay, năm 2005 được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Những năm gần đây, nghề mộc phát triển mạnh đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương. Nhiều gia đình trong làng còn vươn lên làm giàu từ chính nghề này. Hiện làng Ðại Ðồng có hơn 30 cơ sở làm nghề mộc chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, đồ thờ, các sản phẩm mộc dân dụng... Anh Bùi Ngọc Toản, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cho biết, cơ sở có 10 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Những ngày này, nhiều tư thương ở các tỉnh như Nam Ðịnh, Hưng Yên, Bắc Ninh sang đặt hàng để bán trong dịp tết nên anh em phải làm cả ngày lẫn tối.

 

Ngoài làng nghề Ðại Ðồng, xã Vũ Ninh còn có làng nghề mây tre đan Tây Ninh. Ðược UBND tỉnh công nhận là làng nghề năm 2003, làng nghề Tây Ninh có hơn 300 hộ thì có tới 200 gia đình làm nghề mây tre đan. Trong làng nghề có Doanh nghiệp tư nhân mây tre đan xuất khẩu Minh Tiến là đầu mối cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Thành lập năm 2004,  hiện Doanh nghiệp Minh Tiến có 20 lao động làm việc trực tiếp và hơn 400 lao động vệ tinh với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm mây tre đan của Doanh nghiệp chủ yếu là giỏ đựng quần áo, lẵng hoa, túi… được xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc. Nhiều năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa làm gia công các sản phẩm mây tre đan cho Doanh nghiệp Minh Tiến; sau khi hoàn thiện một sản phẩm như lẵng hoa hay giỏ đựng quần áo cũng thu được từ 50.000 - 60.000 đồng tiền công. Trung bình một ngày đan được 2 chiếc thì thu nhập hơn 100.000 đồng.      

 

Theo ông Lại Ðức Quynh, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Ninh, hiện toàn xã có 2.373 hộ với 4.600 lao động; nghề truyền thống đã thu hút hơn 2.500 lao động địa phương tham gia với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, xã còn thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư tại Cụm công nghiệp Vũ Ninh, góp phần giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

 

Cụm công nghiệp Vũ Ninh có tổng diện tích 46ha, hiện có 2 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 30%. Công ty TNHH Sơn Hà Thái Bình là doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Vũ Ninh từ năm 2010 trên diện tích 90.000m2. Công ty hoạt động trong lĩnh vực may xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động, trong đó lao động của xã Vũ Ninh chiếm 60% với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện Công ty đang xây dựng thêm một nhà xưởng sản xuất nên đang cần tuyển gấp hơn 1.000 lao động.

 

Ðể thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương ngày càng phát triển, thời gian tới Vũ Ninh tiếp tục xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để người dân được vay vốn mua sắm máy móc phục vụ sản xuất của các nghề truyền thống.

Trần Tuấn

 

  • Từ khóa