Thứ 6, 29/03/2024, 01:11[GMT+7]

Hưng Hà Sản xuất công nghiệp bền vững

Thứ 3, 20/01/2015 | 08:39:32
1,011 lượt xem
Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn song sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Hưng Hà vẫn duy trì và phát triển ổn định, có mức tăng trưởng khá, được Sở Công Thương đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề của tỉnh.

Công ty TNHH May Thái Dương (xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà) thu hút trên 400 lao động.

 

Theo ông Nguyễn Bá Phong, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Hưng Hà, nét đặc trưng trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) ở Hưng Hà là sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp, chủ cơ sở với làng nghề, hộ gia đình. Theo đó, các chủ cơ sở là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra; các làng nghề, hộ gia đình là nơi tổ chức sản xuất gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp và cơ sở. Các doanh nghiệp không phải đầu tư nhiều vốn để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng nhưng vẫn có đủ sản phẩm cho các đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước. Do đó, sản xuất CN - TTCN của huyện có tính bền vững cao, ít có doanh nghiệp bị phá sản. Năm 2014, các doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, tiếp tục làm ăn có lãi do lãi suất tín dụng giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận với các nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất. Một số ngành hàng có mức tăng trưởng khá như dệt khăn, sản xuất gạch không nung, dệt chiếu nilon, may gia công. Toàn huyện hiện có 187 doanh nghiệp, gồm 62 doanh nghiệp dệt, may, 10 doanh nghiệp đồ gỗ, 22 doanh nghiệp xây lắp, 9 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và 83 doanh nghiệp kinh doanh khác; trong số đó có 43 doanh nghiệp hoạt động tốt, 44 doanh nghiệp hoạt động khá, 83 doanh nghiệp hoạt động trung bình, 17 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Ðặc biệt, trong năm 2014, Hưng Hà có 7 dự án mới đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư 150 tỷ đồng, thu hút gần 800 lao động. Một số dự án lớn, đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao như Dự án đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu của Công ty TNHH Flummy Garment tại Cụm công nghiệp thị trấn Hưng Nhân đầu tư giai đoạn 1 khoảng 70 tỷ đồng, bước đầu thu hút hơn 250 công nhân vào làm việc; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu của Công ty TNHH May Thái Dương tại xã Liên Hiệp trị giá 35 tỷ đồng, thu hút trên 400 lao động; 2 dự án đầu tư xây dựng xưởng dệt lưới nilon với số vốn 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 50 lao động...

 

Nghề dệt phát triển mạnh ở huyện Hưng Hà.

 

Lĩnh vực dệt may là thế mạnh của huyện cũng hoạt động tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá. Ða số các doanh nghiệp đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu, tạo điều kiện cho các làng nghề dệt may phát triển. Ðến nay, số máy dệt khăn thủ công ở các làng nghề tăng 150 chiếc, máy dệt khăn công nghiệp tăng 120 chiếc so với năm 2013. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may ước đạt 60 triệu USD. Ðặc biệt, trong khi một số địa phương gặp khó khăn trong việc mở rộng nghề, làng nghề thì năm qua Hưng Hà đã có thêm 2 làng nghề mới được công nhận, đưa tổng số làng nghề trong toàn huyện lên 51 làng nghề, 4 xã nghề. Ðây là một trong những thành tích nổi bật để Hưng Hà luôn là huyện dẫn đầu tỉnh về phát triển nghề và làng nghề.

 

Có được kết quả trên, ngay từ đầu năm Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết, UBND huyện có Ðề án phát triển CN - TTCN, nghề và làng nghề giai đoạn 2014 - 2020, triển khai tới các đảng bộ, chi bộ trong toàn huyện, tạo chuyển biến về nhận thức trong phát triển nghề. Hưng Hà là huyện có nhiều nghề truyền thống lâu đời đến nay vẫn được duy trì và phát triển tốt. Trong đó nghề dệt khăn và dệt chiếu đã có thị trường xuất khẩu tương đối ổn định. Bên cạnh đó, một số nghề mới du nhập như nghề dệt chiếu nilon, dệt lưới nilon nhưng đã từng bước chiếm lĩnh được thị trường và có hướng phát triển tốt. Hiện tại, toàn huyện có 7 cơ sở dệt chiếu nilon với gần 300 máy dệt công nghiệp đưa Hưng Hà trở thành một trong những trung tâm sản xuất, cung cấp chiếu nilon trong toàn quốc. Ngoài ra, trong những năm qua Hưng Hà còn ban hành một số cơ chế riêng để khuyến khích phát triển CN - TTCN như hỗ trợ 3 triệu đồng/máy dệt thủ công, 10 triệu đồng/máy dệt chiếu công nghiệp, 20 triệu đồng/máy dệt khăn, dệt lưới công nghiệp.

 

Với những kết quả trên, năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp của Hưng Hà đạt 4.586 tỷ đồng, tăng 10,45% so với năm 2013.

Thu Thủy

 

 

  • Từ khóa