Thứ 5, 28/03/2024, 21:51[GMT+7]

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Đông La

Thứ 3, 10/02/2015 | 08:47:35
876 lượt xem
Năm 2014, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng sản công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) của xã Đông La (Đông Hưng) vẫn được duy trì và có bước phát triển, giá trị sản xuất ước đạt hơn 587 tỷ đồng.

Nghề mộc mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động xã Đông La (Đông Hưng).

 

Theo ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nghề và làng nghề, Đảng ủy, chính quyền xã Đông La đã có nghị quyết và xây dựng các chính sách để khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, du nhập nghề mới, thúc đẩy sự phát triển đa dạng các ngành nghề trên địa bàn xã. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Xã Đông La nằm giáp thị trấn Đông Hưng, có quốc lộ 10 chạy qua nên có điều kiện thuận lợi về giao thông để phát triển các ngành nghề CN - TTCN. Năm 2002, xã Đông La được UBND tỉnh công nhận là xã nghề, trong đó 7/7 thôn trong xã đều đạt tiêu chuẩn làng nghề. Nhờ phát triển sản xuất, nghề và làng nghề tại xã Đông La đã giải quyết việc làm cho 2.950/5.900 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các nghề tiểu thủ công nghiệp của xã Đông La hiện nay được chia thành 5 nhóm nghề chính gồm: chế biến gỗ; nghề may, thêu, thảm; chế biến lương thực, thực phẩm; nhóm nghề mây tre đan, đệm cói và nhóm nghề cơ khí, gò hàn. Trong năm qua, hoạt động sản xuất của các nhóm nghề trên vẫn được duy trì ổn định. Đặc biệt, hai nhóm chế biến gỗ và nghề sản xuất đệm ghế cói, ở làng Cổ Dũng 1 và làng Bảo Châu có bước phát triển mạnh, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Do có thu nhập cao và ổn định nên hai nhóm nghề trên đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dần sang làm hàng xuất khẩu, hàng cao cấp, có giá trị cao.

Bên cạnh phát triển nghề và làng nghề, hiện nay xã Đông La đang tập trung thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp Đông La có diện tích 90,8ha. Đến nay, có 35 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào cụm công nghiệp Đông La. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này giải quyết việc làm ổn định cho 3.600 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó một số doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động như Công ty Thương mại và Dịch vụ Á Đông với gần 200 lao động; Công ty TNHH Lam Sơn, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động.

 

Sự phát triển các ngành nghề CN - TTCN đã giúp cơ cấu kinh tế của xã Đông La những năm gần đây chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng CN - TTCN, xây dựng cơ bản chiếm gần 60%, thương mại, dịch vụ chiếm 23,5%, nông nghiệp 16,6%.  Hiện nay, số hộ giàu và khá trong xã Đông La chiếm hơn 93% trong tổng số 3.080 hộ. Trong thời gian tới, xã Đông La tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển các ngành nghề CN - TTCN. Xã tạo mọi cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp; giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất yên tâm, ổn định sản xuất. Trong lĩnh vực nghề và làng nghề tập trung xác định phát triển các nghề mũi nhọn như nghề mộc, đan đệm cói, may mặc theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Trần Tuấn

  • Từ khóa