Thứ 7, 27/04/2024, 04:19[GMT+7]

Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình Thành công từ sự đổi mới quản lý và đa dạng mẫu mã sản phẩm

Thứ 5, 26/02/2015 | 08:10:13
834 lượt xem
Hiện nay, Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình, xã Thái Xuyên (Thái Thụy) tạo việc làm cho gần 20.000 lao động vệ tinh ở khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Ngoài ra, thời gian gần đây Doanh nghiệp còn chuyển đổi dần từ mô hình sản xuất đan vệ tinh sang đan tập trung tại chỗ, qua đó luôn tạo việc làm ổn định cho 2.500 lao động làm việc tại xưởng sản xuất của doanh nghiệp với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Xưởng sản xuất của Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình.

 

Ðược thành lập năm 2001, hiện nay Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ nguyên liệu tự nhiên như mây, tre... Các sản phẩm chủ đạo của Doanh nghiệp là các loại túi xách, giỏ hàng, bàn ghế mây, lẵng mây, nôi cho em bé, miếng thảm, miếng lót, các sản phẩm gia dụng, văn phòng, quà lưu niệm... Trung bình hàng năm, Doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 80.000 mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang các thị trường lớn trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc. Trong những năm gần đây doanh thu của Doanh nghiệp không ngừng được tăng cao, năm 2013 đạt 21 tỷ đồng, năm 2014 đạt hơn 34 tỷ đồng. Theo bà Tạ Thị Hương, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình cho biết: Từ tháng 6/2013, doanh nghiệp đã chuyển đổi dần từ mô hình sản xuất đan vệ tinh sang đan tập trung tại chỗ.

 

Hầu hết các doanh nghiệp làng nghề hiện nay đều xây dựng các tổ hợp sản xuất gia công, doanh nghiệp sẽ là nơi cung cấp nguyên liệu và lo đầu ra cho sản phẩm. Với cách làm này, doanh nghiệp không phải đầu tư một nguồn vốn lớn để xây dựng nhà xưởng, thiết bị sản xuất… Tuy nhiên, cách làm này cho thấy những hạn chế khi người lao động phải làm gia công qua nhiều khâu trung gian nên thu nhập sẽ thấp đi, tiến độ, năng suất lao động không bảo đảm... Là một trong những doanh nghiệp làng nghề tiên phong chuyển đổi từ mô hình sản xuất đan gia công sang làm tập trung tại chỗ nên ban đầu Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình gặp không ít khó khăn, như việc phải đầu tư thêm nhà xưởng mới, trang thiết bị phục vụ sản xuất, hệ thống liên lạc, chỗ ăn uống,  nghỉ ngơi cho người lao động... Nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, hiện tại mô hình sản xuất mới đan tập trung đang cho hiệu quả khi sản lượng và chất lượng sản phẩm được nâng cao, cùng với đó là thu nhập của người lao động cũng được tăng lên. Nếu như trước đây thu nhập của một lao động vệ tinh làm thành thạo khoảng 2 triệu đồng/người/tháng, thì khi làm tập trung tăng lên hơn 3 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn là tạo cho doanh nghiệp một mô hình sản xuất bền vững.

 

Không chỉ chú trọng tới lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, hàng năm Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình còn quân tâm tới các công tác xã hội tại địa phương như ủng hộ quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học… với số tiền trên 100 triệu đồng.

 

Chia sẻ về những thành công của doanh nghiệp trong những năm qua bà Tạ Thị Hương, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình cho biết thêm: Phương châm xuyên suốt trong quá trình hình thành và xây dựng Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình chính là không ngừng đổi mới, tạo ra các sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng; cùng với đó là sự bảo đảm về chất lượng của sản phẩm, tiến độ trong sản xuất, nhằm tạo sự tin cậy với đối tác và khách hàng.

 Trần Tuấn

 

  • Từ khóa