Thứ 3, 23/07/2024, 11:26[GMT+7]

Công đoàn công ty Hanul - Kiến Xương - Thái Bình Chăm lo đời sống người lao động

Thứ 6, 26/11/2010 | 07:29:29
4,711 lượt xem
Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, việc thành lập tổ chức công đoàn đã khó, duy trì hoạt động và tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động lại càng khó hơn. Tuy nhiên, đối với Công ty TNHH Hanul huyện Kiến Xương lại không rơi vào tình trạng này.

Phân xưởng may của Công ty Hanul. Ảnh: P.V

Công đoàn luôn là người đại diện bảo vệ và chăm lo đời sống cho người lao động (NLĐ) có cuộc sống ổn định, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Những việc làm đó đã và đang góp phần đưa công ty ngày càng phát triển lớn mạnh.

 

Là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực may mặc với mục đích chính là lợi nhuận, nhưng ngay khi thành lập năm 2007, Ban Giám đốc công ty đã xác định: để duy trì tốt hoạt động kinh doanh, cần thành lập tổ chức công đoàn, bởi công đoàn chính là cầu nối giữa lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động, là cán cân phân định để mỗi bên nhận thấy đúng, sai và có hướng giải quyết thoả đáng và đây cũng là con đường ngắn nhất để chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu biết lẫn nhau, có những trao đổi kịp thời, tránh dẫn tới bức xúc, hiểu lầm làm phương hại đến quan hệ lao động.

 

Hơn nữa, khi Ban giám đốc triển khai một ý tưởng hoặc thực hiện một chính sách đối với công nhân thì công đoàn là người phát ngôn để các vấn đề đó đến được với từng đoàn viên công đoàn, giúp họ hiểu và tích cực tham gia đóng góp ý kiến, kiến  nghị.

 

Bởi vậy, những năm qua, Công đoàn công ty luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền Bộ luật Lao động, luật Công đoàn... cho công nhân, để họ hiểu, nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình; đặc biệt là làm tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

 

Một trong những kết quả nổi bật mà công đoàn đã làm được khi đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong năm 2010 là: Yêu cầu chủ sử dụng lao động phải tăng tiền chuyên cần, tiền ăn ca, một số chế độ chính sách khác cho người lao động sau khi Công ty đã hứa tăng nhưng không đáp ứng.

 

Với sự vào cuộc trực tiếp của Liên đoàn lao động huyện, Công ty Hanul đã phải chấp nhận tăng từ 100.000 lên 300.000 đồng tiền chuyên cần, tiền ăn ca từ 5.000 lên 7.000 đồng, phụ cấp 100.000 đồng tiền xăng xe, hỗ trợ 50.000 đối với mỗi công nhân ngồi may trực tiếp.

 

Để khích lệ công nhân hăng hái tham gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công đoàn tổ chức phát động thi đua lao động sản xuất, cải tiến lề lối làm việc góp phần tăng năng suất lao động; tích cực phối hợp với các phòng chuyên môn phát động thi đua xây dựng nhà xưởng “xanh- sạch- đẹp”; thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động; an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.

 

Người lao động được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân nên thời gian qua trong công ty không xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ. Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động được quan tâm chu đáo. 100% người lao động được khám sức khoẻ định kỳ, được nghỉ chủ nhật, nếu tăng ca sẽ được trả 200% lương. Công đoàn thường xuyên tổ chức thăm hỏi các trường hợp ốm đau; gặp mặt, tặng quà, biểu dương các cháu là con công nhân lao động có thành tích cao trong học tập.

 

Ngày 8/3 tổ chức gặp mặt, tặng quà động viên, chức mừng chị em phụ nữ. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức, tạo được khí thế phấn khởi, lành mạnh, động viên tinh thần để tập thể công nhân lao động trong toàn Công ty ra sức thi đua thực hiện vượt kế hoạch. Ngoài ra, công tác xã hội, từ thiện luôn được công đoàn quan tâm phối hợp cùng công ty trích hàng chục triệu đồng để tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho quỹ vì trẻ thơ, quỹ người nghèo...

 

Bên cạnh đó, hoạt động Công đoàn Công ty Hanul cũng có những khó khăn, bất cập: trình độ văn hoá của công nhân khá thấp (trên 60% có trình độ văn hoá dưới lớp 12), ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, tỷ lệ nữ công nhân chiếm 96%, trong đó gần 40% lao động nữ trong diện mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng nên ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất chung của công ty và các hoạt động của công đoàn.

 

Bất đồng ngôn ngữ cũng là hạn chế lớn trong quá trình hoạt động công đoàn tại công ty... Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của LĐLĐ huyện Kiến Xương, Công đoàn Công ty Hanul đã có bước trưởng thành, thực sự  trở thành điểm tựa để người lao động gửi gắm và gắn bó lâu dài.

 

P.V

  • Từ khóa