Thứ 3, 23/07/2024, 11:35[GMT+7]

Nghề mộc ở Đông Đoài

Thứ 4, 01/12/2010 | 08:59:23
4,958 lượt xem
Về  đến đầu làng Đông Đoài (Thụy Quỳnh, Thái Thụy), chúng tôi đã nhìn thấy những tấm ván mới xẻ được đưa ra hong phơi dọc ven đường, nghe thấy âm thanh của tiếng đục lách cách, tiếng máy bào, máy tiện chạy xè xè rộn rã vang vọng từ những xưởng mộc. Tất cả tạo không khí rộn ràng, khẩn trương trong lao động sản xuất của những người thợ làng.

Xưởng mộc của bác Nguyễn Văn Nhiên.

Chúng tôi hỏi một số cụ cao niên, nghề mộc ở Thụy Quỳnh có từ bao giờ thì cũng không ai nhớ nổi, chỉ biết rằng từ rất lâu rồi đã có một số người dân trong xã đã biết làm nghề mộc, đời nọ qua đời kia cha truyền nghề lại cho con. Thời còn làm ăn tập thể, HTX có tới 6 tổ mộc quy tụ mấy chục người trong các làng tham gia, chuyên sửa chữa nông cụ như cày bừa, phục vụ sản xuất, đóng bàn ghế, đồ gia dụng, các vật dụng nhà kho chứa thóc...

 

Đến đầu những năm 90, sau chuyển sang cơ chế thị trường, những người có nghề chuyển ra làm ăn riêng lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong xã và một số xã lân cận nhưng hầu hết các công đoạn sản xuất đều làm thủ công. Những năm gần đây, do nhu cầu các sản phẩm đồ gỗ của người dân tăng nên nghề mộc ở Đông Đoài cũng phát triển sôi động.

 

Toàn thôn hiện có 18 cơ sở sản xuất lớn nằm dọc theo trục đường xã và tuyến quốc lộ 37, thu hút khoảng 60 lao động tham gia, thời gian cao điểm lên tới gần 100 người. Các sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, mẫu mã đẹp như: giường, tủ, bàn, ghế, kệ ti vi, cánh cửa, cầu thang, đồ thờ...

 

Theo chân cán bộ khuyến công của xã, chúng tôi đến thăm xưởng mộc của bác Nguyễn Văn Nhiên, trong xưởng chỉ có 4 bố con làm nhưng tiếng đục, tiếng máy bào, máy cưa phát ra rộn ràng. Dừng tay bên cánh cửa còn đang đục dở, bác Nhiên cho biết: “ Đến nay tôi đã có thâm niên 30 năm nghề mộc. Trải qua những thăng trầm của cơ chế thị trường, nghề này tuy vất vả nhưng nếu chịu khó làm thu nhập rất cao. Sau khi rời HTX về làm ăn riêng lẻ, tôi đi đóng cánh cửa, bàn ghế, kèo cột nhà cho người dân, dần có vốn về mở xưởng mộc mấy bố con làm. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ gỗ: gường, tủ, bàn ghế, cánh cửa tăng lên nên quanh năm suốt tháng làm không hết việc, bình quân mỗi năm tiêu thụ hết từ 25 đến 30 m3 gỗ. Tính sơ sơ từ đầu năm đến giờ thu nhập ngót nghét cũng được gần 200 triệu đồng. Nhờ có nghề mộc mà 4 con tôi không phải rời quê đi làm ăn xa mà vẫn có thu nhập ổn định". 

 

Cũng giống như bác Nhiên, đến nay ông Trương Văn Lục đã có mấy chục năm theo nghề mộc. Ông cho biết: từ năm 2000 trở lại đây, nghề mộc ở Thụy Quỳnh phát triển mạnh lắm, nhu cầu các mặt hàng sản xuất từ gỗ thịt và gỗ công nghiệp đều tăng nên xưởng sản xuất của gia đình cũng nhờ vậy mà “ ăn nên làm ra”.

 

Để có được những sản phẩm mẫu mã đẹp, mỗi năm ông dành thời gian 2 đến 3 lần đi thăm các làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội, Bắc Ninh học hỏi kinh nghiệm. Ngoài trực tiếp sản xuất các sản phẩm: giường , cánh cửa, cầu thang; gia đình còn nhập thêm một số sản phẩm như kệ ti vi, bàn ghế, tủ ở một số nơi về bán đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tính bình quân mỗi năm, xưởng sản xuất của ông Lục tiêu thụ hết khoảng 80 m3 gỗ, doanh thu trên 1 tỷ đồng.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: nghề mộc ở Đông Đoài phát triển mạnh là do những người thợ làng nơi đây luôn giữ chữ tín với nghề và khách hàng, “thật thà” từ chất liệu gỗ đến chất lượng sản phẩm. Nếu như trước đây, hầu hết các công đoạn đều làm thủ công thì nay tất cả các xưởng mộc đều đầu tư hàng trăm triệu đồng mua các loại máy  móc như: bào, phay, cưa đứng, phun sơn... cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nên năng suất lao động tăng cao.

 

Một lý do nữa là ở Thụy Quỳnh nghề xây dựng phát triển  rất mạnh với 7 doanh nghiệp, 28 tổ gò hàn sữa chữa hoạt động khắp trong và ngoài huyện nên đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho những sản phẩm đồ gỗ nhất là cầu thang, cánh cửa... tiêu thụ ở nhiều nơi.  Ngoài phục vụ nhu cầu người dân trong huyện, trong tỉnh, đồ gỗ của Đông Đoài đã có mặt, ở nhiều tỉnh thành trong nước. Hiện nay, các khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh tìm về đặt hàng rất đông.

 

Công lao động của người làm mộc bình quân đạt từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng, thợ giỏi thu nhập 5 triệu đồng/tháng, còn chủ các xưởng sản xuất mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí cũng có nguồn thu cả trăm triệu đồng. Đông Đoài đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Năm 2009, tổng giá trị sản xuất từ CN-TTCN của làng nghề  đạt 6,4 tỷ đồng thì riêng nghề mộc đóng góp gần 2,7 tỷ đồng.

 

Tính chung, nghề mộc và các ngành nghề TTCN-Thương mại dịch vụ khác ở Thụy Quỳnh hiện nay đang tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, xã đã quy hoạch 1 cụm công nghiệp diện tích 8,2 ha để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các cơ sở mộc rời khu dân cư ra đây đầu tư sản xuất. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của xã, chủ các xưởng mộc là tỉnh, huyện hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng kết hợp tạo điều kiện cho vay các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Vân - 6 năm trước

Thế có làm nhà thờ không hay chỉ làm nội thất?

Tải thêm